"Khóc cùng nhân thế, cười trong nhân tình"
Nhà thơ Đoàn Văn Thanh ưa viết thơ lục bát và có sở trường làm thơ lục bát. Trong tập thơ “Mắt chữ” mới được ấn hành, có tới 24 bài là thơ lục bát, chiếm gần một nửa.
Có vẻ như tạng thơ này rất hợp với tạng người của ông: Mềm mại, uyển chuyển, gần gũi mà sâu lắng, ngẫm ngợi. Viết thơ lục bát, dường như ông rất khó mà xa được nguồn cội, gốc gác của mình. Và từ trong nguồn cội và gốc gác sâu xa ấy, độc giả nhận ra tâm - sự - thơ, nỗi - niềm - thơ, gửi - gắm - thơ, con - người - thơ Đoàn Văn Thanh.
Tôi chợt nhớ một bài thơ bốn câu mang tên “Vốn có lửa” của Khuông Việt thiền sư (933 - 1011) đời nhà Đinh, qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Văn Dũng: “Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa, lửa mới sinh/ Nếu như cây không lửa/ Cọ xát sao lửa thành?”. Ngẫm mới thấy sự sâu sắc của tứ thơ. Không có cái gì trên đời này, tự nhiên không mà có, tự nhiên không mà thành. Cũng như một người làm thơ, không thể có thơ được nếu như không có một nguồn thơ tự bên trong ngày đêm giữ gìn nó, nuôi dưỡng nó, thổn thức với nó.
Vả lại, đối với người Á Đông, cái bên trong rất quan trọng. Chính cái bên trong hay sự tự hướng vào lòng mình của mỗi người mới tạo ra sự khác biệt. Với Đoàn Văn Thanh, bằng cách cảm, cách nghĩ riêng biệt và có phần độc đáo, ông đã gọi tên rất nhiều sự vật với đúng tên gọi của chúng theo cách của ông.
Đầu tiên là cốm trong “Cốm”. Bốn câu đầu như nói về quá trình hình thành ở dạng vật chất: “Nếp vừa ngậm sữa cánh đồng/ Thu đang xanh ngọc cốm hồng đã mơ/ Tay em sàng sẩy đợi chờ/ Hồn quê, dáng phố, bất ngờ dẻo thơm”. Bốn câu sau gần như là nói về tinh thần cùng sự thăng hoa của cốm: “Đêm sương tẩm, ngày nắng đơm/ Vệt bùn cổ tích lại thơm trăng ngời/ Rơm vàng cởi, sen mở lời/ Vốc lên hương đất, sắc trời lòng tay”. Tiếp theo là sắc cỏ trong “Sắc cỏ hồn làng”: “Hương của đất, sắc của trời/ Cứ là vạn đại với đời cần lao/ Khi vui nắng gió xôn xao/ Khi buồn cũng đủ cồn cào tóc tang”. Tiếp theo nữa là quá khứ trong “Quá khứ”: “Quá khứ/ Thứ ánh sáng hắt lại phía sau”. Sau cùng là tình yêu trong “Nghịch lý”: “Khi yêu nhau/ Đôi mắt thành khiếm thị/ Lúc rời xa/ Thương tích trái tim côi”...
Tập thơ “Mắt chữ” của Đoàn Văn Thanh nhắc nhiều đến phận thơ, phận người và mối quan hệ qua lại. Đó là “Kẻ thơ” với: “Thẳng ngay chữ nghĩa đi vòng/ Khóc cùng nhân thế, cười trong nhân tình”; là “Khơi vơi” với: “Câu thơ khoanh năm tháng/ Đốt trúc thắt gióng đời/ Gừng cay giờ thêm muối/ Lá vàng rơi... khơi vơi”; là “Cố hương” với: “Phận người hạn đẩy úng đưa/ Hạt gạo cõng trọn nắng mưa đáp đền”; là “Trải” với: “Câu thơ lóc cóc/ Điêu điêu phận người”... Và đặc biệt là “Bạn về trời” với hai câu thơ hay và ấn tượng: “Trần gian kiếp người lạnh lắm/ Lạnh mà vẫn đổ mồ hôi”.
Xu hướng triết lý và tính triết lý trong tập thơ ngày càng rõ rệt và đậm đặc hơn qua một vệt thơ “Cố hương”, “Hình như”, “Bạn về trời”, “Nghịch lý”... với những câu thơ lạ về mặt ý tưởng, tạo ra những nét đột biến, khác lạ: “Phụ nữ đẹp/ Như/ Đóa hoa/ Càng thơm/ Càng bất trắc” trong “Đời”; hay “Giúp người gột sạch bùn/ Thấy tay mình sạch hơn.../ Dành tiếng thơm cho bạn/ Tự lòng mình thơm hơn” trong “Nhân quả 1”. Đây là những câu thơ được viết một cách rất trực tiếp, giản dị mà khó làm, là trải nghiệm của riêng người viết và chỉ thuộc về người viết. Đây cũng là thế mạnh của một kiểu làm thơ “lấy ý làm trọng” và “thượng ý chứ không thượng từ”.
Trong mảng thơ lục bát, không thể không nhắc đến ba cặp lục bát đáng nhớ của Đoàn Văn Thanh vừa rất thân phận, có tâm trạng, lại vừa rất tài hoa đến từng chi tiết. Cặp thứ nhất thuộc về “Giã hè”: “Mẹ ngồi giặt áng mây trôi/ Tiếng con cuốc cuốc xa xôi vọng về”. Cặp thứ hai thuộc về “Thơ vui cho tuổi xế chiều”: “Cỏ may trải, ánh trăng bầy/ Xin hoang liêu cả vòng tay nõn nà”. Cặp thứ ba thuộc về “Hình như”: “Hình như thiếu lại bù thừa/ Bao nhiêu lồi lõm cho vừa nhân gian”.
Đọc “Mắt chữ”, tôi càng ngày càng thêm tin vào thơ và hành trình thơ của nhà thơ Đoàn Văn Thanh.