Nông thôn mới

Hối hả làng nghề sau Tết

Nguyễn Mai 23/02/2024 - 06:31

Ngay sau Tết Giáp Thìn, người dân các làng nghề trên địa bàn thành phố đã hối hả bắt tay vào sản xuất, sáng tạo các mẫu sản phẩm mới, bảo đảm tốt việc làm, thu nhập cho người lao động.

lang-nghe.jpg
Lãnh đạo huyện Thường Tín thăm, động viên một hộ sản xuất tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái).

Nhanh chóng ổn định sản xuất

Có lẽ, sản xuất sớm hơn cả là làng nghề chế biến đậu phụ Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Tại đây, ngay từ mùng 2 Tết Giáp Thìn, các lò làm đậu đã “đỏ lửa”.

Ông Nguyễn Văn Duy, một hộ làm đậu trong làng cho biết, gia đình ông chỉ nghỉ ngày 30 và mùng 1 Tết, đến mùng 2 đã sản xuất lại bình thường. Hiện tại, mỗi ngày gia đình ông chế biến 100kg đậu tương hạt để làm ra hàng nghìn miếng đậu phụ nhỏ tiêu thụ ở nội thành Hà Nội. “Làm hàng trong những ngày Tết tuy vất vả, nhưng công cao hơn. Sau mấy ngày Tết, giá đậu đã trở về như ngày thường”, ông Duy cho biết thêm. Còn theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, làng nghề chế biến đậu phụ Bá Dương Nội có hàng trăm hộ sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, mang lại thu nhập khá cho người dân.

Ghi nhận tại Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín) trong ngày 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn (ngày 17-2), nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào sản xuất hàng sơn mài cho những đơn hàng đầu năm. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái cho hay, sau ngày mùng 7 tháng Giêng, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng đã trở lại hoạt động bình thường.

“Đầu năm, chưa có nhiều đơn hàng mới, nên các hộ tập trung hoàn thiện nốt đơn hàng cũ và tập trung vào sáng tạo mẫu. Gia đình tôi cũng bắt đầu sản xuất từ ngày 6 tháng Giêng. Tôi tập trung vào sản xuất sản phẩm quà tặng hội nghị như bình hoa cho các đơn vị đặt trước và làm tranh sơn mài phục vụ thị trường mừng thọ đầu xuân…”, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi chia sẻ. Hiện huyện Thường Tín có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, 1 làng được công nhận là làng nghề Hà Nội.

Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), thành phố hiện có hơn 1.300 làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận trên địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và xuất khẩu qua các năm.

Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu hằng năm cao, như: Làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức đạt hơn 1.000 tỷ đồng; làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh 1.100 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, huyện Thạch Thất 1.209 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức đạt hơn 1.300 tỷ đồng…

Thêm hỗ trợ cho các làng nghề

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2024, Sở và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề và tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề, truyền nghề; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Thành phố tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng môi trường tại các làng nghề, thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới...

Ngoài những hỗ trợ kể trên, các doanh nghiệp, hộ gia đình cũng chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm, sử dụng thương mại điện tử trong quảng bá, bán hàng.

Chủ tịch Hội Làng nghề mộc Phú An (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) Nguyễn Tiến Quyền cho biết, tất cả những cơ sở sản xuất ở làng nghề đã mạnh dạn đầu tư máy cưa, xẻ, cắt, chạm khắc gỗ… đời mới, trị giá hàng trăm triệu đồng để nâng cao năng suất, giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm và tạo ra hàng hóa chất lượng cao.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện đã chọn ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm để tổ chức lễ khai bút và ra quân sản xuất các làng nghề truyền thống. Hoạt động này là hiệu lệnh, tiếng trống thúc giục cho sự khởi đầu một năm mới. Thông qua chương trình, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn giữ gìn, khẳng định vai trò của làng nghề truyền thống với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các làng nghề tiếp thị, quảng bá sản phẩm, thu hút khách du lịch đến tham quan, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.