Không để vướng mắc cản trở Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng phân loại các vướng mắc, khó khăn đang gặp phải cùng trách nhiệm đi kèm trong thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; quyết không để những vướng mắc này cản trở việc thực hiện Đề án.
Sáng 22-2, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chủ trì hội nghị.
Diện tích đất quy hoạch nhà ở xã hội đã tăng hơn 5.000ha
Hiện cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 (3.359ha), diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031ha.
Trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn, trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô 37.868 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 107.896 căn. Ngoài ra, có 301 dự án với quy mô 265.486 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu.
Đối với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 20.188 căn hộ, tổng mức đầu tư 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.516 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay mới có 1 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với số tiền là 125,84 tỷ đồng.
Đối với việc giải ngân nguồn vốn 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, nhà ở của hộ gia đình, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt 10.272 tỷ đồng với 26.268 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 530,973 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu được giao, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024. Các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc..
Phấn đấu trong năm 2024, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện 10.000 căn hộ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện 2.000 căn hộ; Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với nhà ở thương mại
Trong phần lớn thời gian của hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, địa phương tập trung thảo luận, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phấn đấu hoàn thành 130.000 căn hộ trong năm 2024.
Từ thực tế đang triển khai các dự án nhà ở xã hội với số lượng trên 10.000 căn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinhomes, Phạm Thiếu Hoa kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, bởi số thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội hiện còn nhiều hơn so với nhà ở thương mại.
“Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án nhà ở xã hội cần được thực hiện nhanh, song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu; các thủ tục khác về xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xác định số lượng tiền miễn giảm, thủ tục trình sở xây dựng địa phương xét duyệt đối tượng cần được xem xét, rút ngắn”, ông Phạm Thiếu Hoa nêu cụ thể.
“Hưởng ứng Đề án, Viglacera đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoàn thành 8.000 căn hộ. Trong số này, 5.000 căn đã đưa vào kinh doanh, tồn kho 3.000 căn do vướng một số quy định về xác định đối tượng, tức chỉ công nhân trong khu công nghiệp mới được mua nhà. Đây đang là vướng mắc lớn, kiến nghị các bộ, ngành có điều chỉnh các nghị định, thông tư hướng dẫn, cho phép địa phương mở đối tượng thuê, mua”, ông Trần Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera phát biểu.
Đáng lưu ý, hội nghị đã nghe nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn từ ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Nam Hưng, đơn vị đang triển khai 11 dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc. Theo đó, ông Toàn kiến nghị cần có quy định các tỉnh phải bố trí đất để phát triển nhà ở xã hội; hỗ trợ giảm lãi suất vay cho người mua nhà; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến duyệt giá, duyệt đối tượng thuê, mua nhà đều đang kéo dài do quy trình giải quyết lòng vòng giữa bộ với các địa phương…
Quyết không để vướng mắc cản trở việc thực hiện một Đề án nhân văn cao đẹp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần xác định đây chỉ là đề án thí điểm ban đầu, thực hiện căn cơ, bài bản, nghiêm túc để sớm hoàn thiện về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Đất đai (sửa đổi) mới ban hành.
Một số quy định của Luật Nhà ở đến tháng 1-2025 mới có hiệu lực nhưng quá trình triển khai Đề án trong giai đoạn hiện nay đã có thể vận dụng. Chính phủ mong muốn, thông qua Đề án, chương trình trở thành nhiệm vụ chính trị, thực hiện ở trung ương và các địa phương, huy động sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc.
Bộ Xây dựng cần phân loại các vướng mắc, khó khăn đang gặp phải cùng trách nhiệm đi kèm; quyết không để những vướng mắc này cản trở việc thực hiện một Đề án mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, quy trình thực hiện với một dự án nhà ở xã hội cần làm bài bản nhưng phải đơn giản, rút ngắn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, thủ tục, định mức, đơn giá… Bộ Xây dựng rà soát hiện có bao nhiêu quy trình để báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở đó, có thể ban hành riêng một nghị định điều chỉnh trình tự thủ tục về nhà ở xã hội.
"Các khu nhà ở xã hội phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hoá, an toàn cháy nổ… trong "bức tranh chung" về quy hoạch đô thị, nông thôn", Phó Thủ tướng lưu ý và cho biết thêm, "Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ dất đã có, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền quyết định để chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở xã hội".
Về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng nêu quan điểm, nhà nước cần phải đóng vai trò chủ đạo nhưng cần huy động từ khối ngoài nhà nước. Ngoài ra, không nên đề ra chính sách ngân hàng thương mại cho vay ưu đãi không phù hợp với cơ chế thị trường. Nếu có thì nguồn vốn từ ngân sách, tài khóa phải bù vào phần ưu đãi này.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sẽ cụ thể hóa nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong thực hiện Đề án năm 2024 cũng như các năm tiếp theo.
Bộ trưởng mong muốn các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, nhất là văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua cùng các luật khác có liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, cụ thể, đơn giản hóa quy trình để nhanh chóng triển khai các dự án.
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở (sửa đổi), quyết tâm hoàn thành vào tháng 7-2024. Trong đó có nội dung hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội.
Bộ cũng sẽ thành lập các tổ công tác do các lãnh đạo Bộ dẫn đầu, đến từng địa phương hướng dẫn, tháo gỡ, thúc đẩy việc triển khai trong năm 2024.