Chính trị

Phát huy truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội từ mỗi xóm, thôn

Nhóm PV 22/02/2024 12:49

Mỗi cán bộ, đảng viên, văn nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ mong muốn Chỉ thị số 30-CT/TU sớm thẩm thấu, lan tỏa và đi vào cuộc sống, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.

Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, văn nghệ sỹ, các tầng lớp nhân dân đều bày tỏ mong muốn Chỉ thị sớm được thẩm thấu, lan tỏa và đi vào cuộc sống, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội.

Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tháp Nguyễn Thị Kim Cúc (huyện Đan Phượng):
Để nét đẹp văn hóa trở thành động lực to lớn của mỗi địa phương

bi-thu-dong-thap.jpg

Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, tôi đã đọc và cho rằng đây là một trong những chỉ đạo rất cụ thể của thành phố để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đặc biệt, tôi rất tâm huyết với các nội dung chỉ thị nêu về các giải pháp thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ở đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đặt vai trò gia đình lên hàng đầu. Đó là “Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh". Cùng với gia đình là nhà trường, Chỉ thị đặt ra yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đưa nhà trường thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi người, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh… Tôi cho rằng, đó là những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản và hết sức khoa học, sát với thực tiễn.

Là vùng quê ven đô, xã Đồng Tháp cũng có rất nhiều nét đẹp văn hóa được hun đúc từ ngàn năm lịch sử. Trong gia đình, đó là: Lễ phép, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung; trong cộng đồng đó là tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, sẻ chia... Thời gian tới, Đảng ủy xã Đồng Tháp sẽ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị để cán bộ, đảng viên gương mẫu và nghiêm túc thực hiện. Căn cứ các tiêu chí do thành phố quy định để cụ thể hóa cho phù hợp với địa phương. Đảng ủy xã cũng tổ chức cho các đảng viên nghiên cứu, học tập, thảo luận việc thực hiện Chỉ thị số 30 trong đợt sinh hoạt chi bộ tháng 3 tới đây. Chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm thực hiện của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của mỗi người dân, những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội nói chung, của mỗi vùng quê Hà Nội nói riêng sẽ được gìn giữ, phát huy, trở thành động lực to lớn của mỗi địa phương và Thủ đô Hà Nội trong hội nhập, phát triển.

Bí thư Đảng ủy xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) Trịnh Bá Công:
Phát huy truyền thống tốt đẹp từ mỗi xóm, thôn

bi-thu-dang-uy-xa-phung-chau.jpg

Chỉ thị số 30-CT/TU rất có ý nghĩa và cần thiết đối với các vùng ven đô, ngoại thành. Bởi, có nơi tuy diện mạo khang trang, kinh tế đủ đầy, nhưng mối quan hệ làng xóm thiếu bền chặt...

Thực hiện Chỉ thị này và các chỉ đạo khác của trung ương, thành phố và huyện Chương Mỹ, xã Phụng Châu xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là quán triệt Chỉ thị tới từng đảng viên, người dân trên địa bàn, nhằm tạo bước chuyển biến mới về chất lượng trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh. Mỗi cán bộ, đảng viên khi tiếp hoặc làm việc với người dân tại công sở phải tạo không khí gần gũi, thân thiện như là tiếp xúc với người thân trong gia đình. Để từ đó xây dựng niềm tin, sự đồng thuận giữa người dân với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Bên cạnh nhiệm vụ trên, xã Phụng Châu tiếp tục vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa; xây dựng xã hội học tập; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gắn với bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan; thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị của thành phố và nơi công cộng…

Thực tế thời gian qua, xã Phụng Châu đã phát huy hiệu quả giá trị truyền thống đoàn kết, lan tỏa phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Đơn cử, trong khi các gia đình ở mặt đường tự tháo dỡ tường bao, cổng nhà để mở rộng đường, nắn đường, thì các gia đình ở phía trong tự nguyện đóng góp tiền, ngày công xây dựng lại cổng, tường bao giúp các hộ bên ngoài mặt đường... Việc làm này thể hiện rõ nét văn hóa của người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà:

Nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024

ss.jpg

Chỉ thị số 30 khẳng định tư duy đổi mới, thể hiện sự quyết tâm chính trị mới của Thành ủy Hà Nội nhằm khôi phục, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội.

Do đó, ngay sau khi nhận được Chỉ thị số 30, Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo sao gửi văn bản này tới các chi, đảng bộ trong huyện. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định việc triển khai chỉ thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 và những năm tiếp theo; coi đây là động lực quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa của huyện.

Để triển khai hiệu quả chỉ thị trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì, phối hợp với UBND huyện và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, giúp Ban Thường vụ Huyện ủy làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc triển khai chỉ thị đến từng chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo bước chuyển biến mới về chất lượng trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh...

Đặc biệt, chỉ đạo UBND huyện thực hiện Chỉ thị 30 gắn với triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch của huyện.

Trước mắt, toàn huyện triển khai có hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng mô hình gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa chất lượng; tiếp tục triển khai 2 quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị của thành phố và nơi công cộng; xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới...

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội:
Cổ vũ văn nghệ sĩ sáng tác tác phẩm chất lượng, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội

nghe-sy-tran-quoc-chiem.jpg

Những năm qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và văn nghệ sĩ Thủ đô luôn xác định vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; coi đây là một trong những nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng của văn nghệ sĩ Thủ đô để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Song, để văn nghệ sĩ có những đóng góp tích cực hơn, rõ nét hơn trong việc góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, vai trò của lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của các cấp ủy Đảng cần được phát huy mạnh mẽ, quyết liệt. Chỉ thị số 30-CT/TU được ban hành thời điểm này vô cùng thiết thực, trở thành “kim chỉ nam” cho các cấp ủy Đảng nói chung và Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ của Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị để việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành phong trào trong nhân dân Thủ đô.

Hiện tại, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội có hơn 4.400 hội viên, trong đó có 1.080 hội viên là đảng viên. Các đảng viên đều là những văn nghệ sĩ uy tín, có nhiều tác phẩm giá trị, có tiếng nói trong giới văn nghệ và nhận được sự tin tưởng, yêu mến của công chúng. Vì vậy, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội sẽ khẩn trương họp triển khai Chỉ thị, xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị, trong đó tập trung phát huy vai trò của các chi bộ, các đảng viên uy tín; tăng cường vai trò định hướng các hội chuyên ngành, các chi hội; động viên văn nghệ sĩ tích cực tham gia, sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần nâng cao trình độ thẩm mỹ, cảm thụ văn hóa của nhân dân, hình thành nhân cách chuẩn mực, nhất là trong giới trẻ, lan tỏa giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội trong thời kỳ mới.