Hai cách ứng xử
Có lẽ chưa có năm nào, đào, quất lại nhiều đến mức dư thừa như dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua. Trên khắp các nẻo đường, từ ngoại ô vào thành phố, dọc hai bên vỉa hè và những khu đất trống, đào, quất bày la liệt.
Nhưng số người lai vãng, mua bán không nhiều, đến mức như thể người dân bây giờ dửng dưng không quan tâm đến cây cảnh. Thế nên nhiều người bán đào, quất mới lâm vào cảnh ế hàng.
Chập tối 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đọc đường từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về gần Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), chắc mọi người đều thấy một tấm biển to cắm bên lề đường: “Hoa biếu không, ai thích xin mời lấy”. Đó là hoa của hai anh em mang từ vùng quê đến, không bán được, bèn chịu lỗ, biếu mọi người. Bà con qua đường xúm vào chọn, rất nhiều người trong số đó ái ngại và thương cảm, người thì gửi 100 nghìn đồng, người thì gửi 50 nghìn đồng, dường như không ai nỡ cầm hoa mà không trả tiền.
Hành động của hai anh em bán hoa rất văn hóa và nghĩa cử của người mua hoa cũng rất xúc động, đáng trân trọng.
Thế nhưng, một cảnh trái ngược, cách Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội) không xa, vào lúc tối muộn ngày 30 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, một thanh niên bán quất vung đòn đập tan tành hàng chục chậu quất, vứt vương vãi đầy hè phố. Người qua đường, ai cũng xót xa nhìn những chậu quất rất đẹp bỗng chốc biến thành rác, gây khó khăn cho dòng xe đang lưu thông; đồng thời họ rất bất bình với thái độ của anh bán hàng nọ. Việc người bán hàng không bán được sản phẩm là do không nắm bắt được nhu cầu thị trường. Việc đập phá, vứt hoa tung tóe ra hè đường chiều tối 30 Tết là vi phạm trật tự xã hội. Cho dù thương người bán hàng ế ẩm, bị lỗ vốn kinh doanh, hay thất bát đen đủi, nhưng thái độ như vậy thật khó chấp nhận.
Hai cách ứng xử khác nhau cho cùng một hiện tượng cũng đáng để suy ngẫm. Đó đương nhiên không còn là câu chuyện trước Tết bởi có thể gặp ở bất kỳ thời điểm nào đó trong năm. Quan trọng nhất vẫn là cách ứng xử của người trong cuộc để bảo đảm văn minh nhất.