“Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”:"Kim chỉ nam" về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024)
Một trong những nội dung đặc biệt quan trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng - nhiệm vụ then chốt có ý nghĩa sống còn, để Đảng ta xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Nội dung này có thể coi là “kim chỉ nam" về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới...
Kế thừa kinh nghiệm từ lịch sử, nâng lên tầm cao mới
Để lãnh đạo cách mạng đúng đắn và hiệu quả, Đảng thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh về mọi mặt. Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Khẳng định của Tổng Bí thư vừa là sự tổng kết, vừa là hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn. Bởi trước đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Như vậy, với nội dung được nhấn mạnh trong bài viết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đại hội XIII đề ra tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó cũng chính là sự chắt lọc, kế thừa kinh nghiệm từ lịch sử xây dựng Đảng và được nâng lên một tầm cao mới bởi tư duy lý luận sắc bén của người đứng đầu Đảng ta!
Trên thực tế, xây dựng và chỉnh đốn Đảng có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời. Đó là một thể thống nhất trong quá trình vận động và phát triển của Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quá trình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch. Chỉnh đốn Đảng là để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng mạnh lên, xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, đó là sự chống phá của các thế lực thù địch, là tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Ý thức được nguy cơ đối với Đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua của Đảng là minh chứng sinh động của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” của người đứng đầu Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một mặt trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh mới, góp phần làm cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng! Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Cần quán triệt sâu sắc, thực hiện ráo riết, hiệu quả
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh… Cụ thể là, phải có chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể các nghị quyết, kết luận của Trung ương về vấn đề này, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Những định hướng, chỉ dẫn này của Tổng Bí thư là những vấn đề mang tính nguyên tắc. Bởi hơn lúc nào hết, cần phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Có thể khẳng định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bài viết của Tổng Bí thư là vấn đề mang tầm lý luận sâu sắc, là sự đúc kết thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là tâm huyết, trí tuệ của một đảng viên cộng sản chân chính, mẫu mực.
Để đưa những nội dung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tổ chức Đảng và từng đảng viên phải nhận diện sâu sắc hơn, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”. Bên cạnh đó, thường xuyên phản ánh, nhân rộng những tấm gương điển hình, tiên tiến để lan tỏa sâu rộng trong đời sống - xã hội. Đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và xã hội.
Ngoài ra, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Đồng thời, để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Một là, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp, gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ba là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tóm lại, cùng với chủ trương, đường lối qua các kỳ đại hội cũng như các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, những nội dung về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là “kim chỉ nam" về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời kỳ mới. Trách nhiệm của chúng ta là phải quán triệt sâu sắc, vận dụng ráo riết, hiệu quả vào thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi trường tồn cùng dân tộc, lãnh đạo xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng “cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội!