Thí điểm các dự án điện khí, điện gió: Tiền đề hoàn thiện hành lang pháp lý
Để bảo đảm tiến độ, mục tiêu đặt ra với các dự án điện khí, điện gió trong Quy hoạch điện VIII, giải pháp được Chính phủ thống nhất cùng các bộ, ngành là giao thí điểm thực hiện. Kết quả thực tiễn là tiền đề để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý.
Bất cập từ thiếu quy định
Đầu năm 2024, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, việc giải quyết những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió liên quan đến thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, tổng công suất bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung, có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống quốc gia. Các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định, sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để bảo đảm an ninh cung cấp điện. Mặt khác, việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa các bon vào năm 2050.
Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình đàm phán, triển khai các dự án điện khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, còn 3 vướng mắc cần được tháo gỡ nhưng chưa được pháp luật quy định rõ ràng, bao gồm bao tiêu sản lượng khí tối thiểu, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện và cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Với các dự án điện gió ngoài khơi, nhiều bất cập đang bộc lộ do thiếu đồng bộ, chưa thống nhất trong quy định pháp luật về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc; giao khu vực biển cho nhà đầu tư nước ngoài; đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; giao thoa, xung đột với các hoạt động khai thác, sử dụng biển; khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hệ thống truyền tải, đàm phán giá điện; bảo đảm an ninh, quốc phòng…
Giữa năm 2023, Bộ Công Thương đã họp với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng trong Quy hoạch điện VIII để ghi nhận và giao các đơn vị tháo gỡ những vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, đến nay, các dự án vẫn gặp nhiều rào cản về cơ chế, chính sách, cần xem xét, giải quyết theo quy trình trong thời gian nhanh nhất.
Sớm triển khai thí điểm
Để giải quyết vấn đề trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng kiến nghị giao thí điểm dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để có căn cứ thực tiễn, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng, hoạt động đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới; quy định hiện hành chưa có, hoặc chưa rõ ràng..., do vậy, cần xây dựng cơ chế chính sách thông qua dự án thí điểm. Nhiều bộ, ngành cùng kiến nghị, trước mắt, cần nghiên cứu, xem xét phương án giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) điều tra, khảo sát, đo đạc, xác định tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu quan điểm, Quy hoạch điện VIII là căn cứ để đầu tư các dự án nguồn điện, truyền tải, phụ tải, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Nhà nước “đặt hàng”, lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, có hiệu quả cao nhất. Tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành, Chính phủ chỉ đạo sớm thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi. “Trong đề án thí điểm, thống nhất chủ trương giao một cơ quan nhà nước đứng ra sử dụng nguồn ngân sách để khảo sát; qua đó thí điểm về thẩm quyền cấp phép, quản lý dữ liệu khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế hoàn lại ngân sách”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn năng lượng sẽ rà soát, xem xét toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí, trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư; đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư.
Về định hướng tháo gỡ khó khăn bất cập các dự án điện gió ngoài khơi, căn cứ trên số liệu đánh giá ban đầu về tiềm năng, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng đề án sử dụng ngân sách nhà nước thí điểm thăm dò, điều tra, khảo sát. Sau khi có số liệu đầy đủ, một số tập đoàn nhà nước sẽ được giao nhiệm vụ đứng ra chủ trì, có thể lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, để thực hiện một số dự án, trong đó thí điểm thực hiện một số biện pháp để giải quyết những vấn đề đang gặp vướng mắc hiện nay…