Tiếp tục đổi mới hoạt động báo chí để đáp ứng yêu cầu bạn đọc
Sáng 20-2, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân tổ chức giao ban báo chí đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì hội nghị.
Tham dự giao ban có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Khát vọng về đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Phát biểu tại giao ban, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết: Khoảng 3 tuần nữa sẽ diễn ra Hội báo toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh và Diễn đàn Báo chí toàn quốc với sự tham gia của 1.000 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí tham dự. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phát động phong trào thi đua, hướng tới cột mốc 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời, khánh thành Trường Huỳnh Thúc Kháng - Trường dạy làm báo đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên.
Trên tinh thần đó, đồng chí Lê Quốc Minh đề nghị các cơ quan báo chí cũng như mỗi nhà báo tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; quan tâm vấn đề bản quyền trong hoạt động báo chí, đồng thời tích cực thông tin, lan tỏa các dòng thông tin chính thống, chủ lưu; siết chặt vấn đề đạo đức nhà báo.
Về công tác báo chí xuân Giáp Thìn 2024, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Tống Văn Thanh cho biết, các chủ đề nổi bật mà các cơ quan báo chí đưa ra là: Mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước vững vàng vượt qua thử thách; tưởng nhớ, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những kết quả quan trọng trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; niềm tin, khát vọng, ý chí và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam; những thành tựu nổi bật về đối ngoại; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nội dung lớn được nhiều cơ quan báo chí khai thác, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bao trùm các ấn phẩm Tết Giáp Thìn 2024 là khát vọng, niềm tin, sự tự hào vào sức mạnh, ý chí, cốt cách của dân tộc; trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, tương lai tươi sáng của đất nước, là quyết tâm xây dựng một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại giao ban báo chí, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã thông tin về dư luận báo chí nước ngoài với Việt Nam trong năm 2023. Theo đó, báo chí quốc tế duy trì thái độ lạc quan với kinh tế Việt Nam, tốt hơn nhiều quốc gia trong khu vực. Báo chí cũng nêu những khó khăn, thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới; công tác chống tham nhũng, bảo hộ công dân ở Việt Nam, tình hình Biển Đông.
Phát biểu tại giao ban, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức cho biết, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức, trong đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có phát biểu chỉ đạo hết sức quan trọng, đến nay các cơ quan báo chí của Thủ đô cũng như cả nước dành nhiều thời lượng, chuyên mục để truyền tải các thông tin về văn hóa. Đặc biệt, thông qua chủ đề văn hóa góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.
Chia sẻ những khó khăn mà các cơ quan báo chí phải đối mặt trong năm qua, đồng chí Nguyễn Minh Đức cho rằng, mỗi cơ quan báo chí đều có những kế hoạch, định hướng phát triển riêng. Trong đó, không ngừng đổi mới từ nhận thức đến tư duy làm báo, đổi mới từ nội dung đến hình thức, chất lượng các tin, bài để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Các cơ quan báo chí cũng tập trung chuyển đổi số, hướng đến các tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Minh Đức kiến nghị các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí trong tiếp thu ý kiến, kiến nghị khi Quốc hội sửa đổi Luật Báo chí để phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng quan tâm hơn đến chính sách tài chính, hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cho các cơ quan báo chí để đáp ứng yêu cầu số hóa nội dung hiện nay.
Mỗi cơ quan báo chí đều là “cơ quan báo chí tử tế”
Phát biểu tại giao ban, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ những khó khăn với các cơ quan báo chí trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước. Trong đó, kinh phí nhà nước cấp chưa bao giờ đủ để báo chí hoạt động; quảng cáo sụt giảm nên kinh tế báo chí gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, yêu cầu của thực tế ngày càng cao hơn, cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội, thậm chí cạnh tranh giữa các loại hình báo chí ngày càng lớn.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, các cơ quan cần chủ động đối mặt với các khó khăn để có cách làm mới, suy nghĩ mới, các sản phẩm mới cạnh tranh hơn để thu hút độc giả. Dẫn ví dụ thành công của Đài Truyền hình Vĩnh Long trong chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đồng chí Trần Lưu Quang đề nghị, các cơ quan báo chí cả nước cần tập trung quản lý các sản phẩm báo chí và hoạt động tác nghiệp của mỗi nhà báo tốt hơn. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhà báo, phóng viên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, năm 2023, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, kinh tế đã có bước phục hồi tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần nỗ lực vượt qua. Trong thành công chung đó, những người làm báo cách mạng nước ta đã có những đóng góp tích cực, đáng ghi nhận.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, năm Giáp Thìn 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Với những người làm báo cách mạng, năm 2024 cũng là năm bận rộn với các hoạt động tiến tới kỷ niệm 100 Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, báo chí tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024, quyết tâm cao độ để xây dựng nền báo chí “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tích cực xây dựng và triển khai thực chất môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; cần nhiều hơn những nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh để mỗi cơ quan báo chí đều là “cơ quan báo chí tử tế”, mỗi người làm báo đều là “người làm báo tử tế”.
Thực hiện tốt điều đó, tôi tin tưởng rằng, cơ quan báo chí, người làm báo sẽ nhận được sự tôn trọng của cả xã hội và từ đó sẽ tạo ra giá trị, khẳng định được thương hiệu giúp cạnh tranh hiệu quả trước các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng phong phú - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ.