Mỹ có thể gửi tên lửa tầm xa tới Ukraine nếu Quốc hội thông qua gói viện trợ mới
Ngày 19-2, truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống Biden sẵn sàng gửi tên lửa chiến thuật tầm xa tới Ukraine nếu Quốc hội thông qua gói viện trợ mới cho Kiev.
Dẫn lời hai quan chức giấu tên, đài NBC News cho biết, chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng gửi biến thể tên lửa ATACMS (hệ thống tên lửa chiến thuật) cho Ukraine, nếu gói viện trợ mới trị giá 60 tỷ USD được Thượng viện phê duyệt. Gói viện trợ này đang bị các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội ngăn chặn.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine. Theo Reuters, ông Zelensky đã đưa ra phát biểu này hôm 19-2 sau khi đến thăm tiền tuyến ở Kupiansk, nơi lực lượng Nga đã hoạt động trong những tháng gần đây.
“Hiện tại, tình hình vô cùng khó khăn ở một số khu vực của tiền tuyến, nơi quân đội Nga tập trung tối đa lực lượng dự bị. Mátxcơva đang lợi dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraine và đây là vấn đề rất nhạy cảm. Thiếu hụt pháo binh, nhu cầu phòng không và vũ khí tầm xa trên tiền tuyến”, ông Zelensky nói.
Hồi tháng 10-2023, Mỹ đã phê duyệt việc chuyển giao một biến thể tên lửa tầm ngắn cho Ukraine sau khi Kiev đưa ra đảm bảo rằng chúng sẽ không được sử dụng để tấn công bên trong các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát. Tổng thống Ukraine Zelensky sau đó nói rằng, các loại vũ khí này đã chứng minh hiệu quả.
Theo giới quan sát, các biến thể mới hơn của ATACMS mà chính quyền ông Biden muốn gửi tới Ukraine có tầm bắn tối đa gần 300km, thường mang theo bom chùm, cho phép lực lượng Ukraine tấn công bán đảo Crimea.
Theo các quan chức giấu tên, có thể Mỹ sẽ yêu cầu các đồng minh NATO cung cấp tên lửa cho Ukraine trước kỳ vọng rằng Chính phủ Mỹ sẽ bổ sung thêm vào kho dự trữ đã cạn kiệt.
Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov bình luận, việc Avdiivka rơi vào tay lực lượng Nga cho thấy Kiev cần được cung cấp vũ khí tầm xa để tiêu diệt đội hình của đối phương.
Thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ trước cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ở Munich (Đức) cũng dự đoán các nhà ngoại giao sẽ thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến đạn dược, phòng không và năng lực tầm xa.
Sau đó, Ngoại trưởng Kuleba cho biết, ông đã thảo luận về việc cung cấp ATACMS tầm xa với người đồng cấp Mỹ tại cuộc họp hôm 18-2. Ông gọi hệ thống này là “một biểu tượng quan trọng” đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
“Chỉ có một cách để tiêu diệt năng lực của Nga. Đó là tấn công sâu vào các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, vượt qua các thiết bị đánh chặn và tác chiến vô tuyến điện tử của Mátxcơva. Nếu muốn tấn công vào phía sau phòng tuyến, làm gián đoạn hậu cần và nguồn cung, phá hủy kho đạn dược của đối phương, chỉ có thể làm điều đó bằng tên lửa tầm xa”, ông nói.
Về phần mình, tháng 10-2023, Tổng thống Putin đã chỉ trích việc Mỹ chuyển giao tên lửa tầm xa ATACMS cho lực lượng Ukraine. Ông Putin cũng nói thêm rằng, các tên lửa ATACMS được Mỹ chuyển giao cho Ukraine không thể giúp Kiev lật ngược tình thế trên chiến trường và cũng không mang lại lợi ích cho Ukraine, thậm chí còn kéo dài thêm “nỗi thống khổ”. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, đây là “sai lầm tiếp theo” của Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận với NBC rằng, hiện tại Washington không có nguồn tài chính nào để gửi thêm thiết bị quân sự tới Ukraine.
“Nếu không có dự luật tài trợ bổ sung, chúng tôi hiện không có gói hỗ trợ an ninh để cung cấp cho Ukraine. Đồng thời, tôi sẽ không suy đoán về nội dung của bất kỳ gói viện trợ nào trong tương lai nếu gói bổ sung được thông qua”, ông nói.
Hôm 19-2, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair tuyên bố, nước này sẽ tặng hơn 800 hệ thống máy bay không người lái đa nhiệm SkyRanger R70 cho Ukraine.
“Thông báo hôm nay đảm bảo rằng Ukraine có máy bay không người lái cần thiết để phát hiện và xác định các mục tiêu quan trọng trong cuộc chiến đang diễn ra. Canada sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào cần thiết”, ông Blair nói.