Văn hóa

Hình tượng rồng trong thành ngữ dân gian

PGS.TS Phạm Văn Tình 19/02/2024 16:16

Theo lịch cổ truyền thì năm nay (2024) còn được gọi là năm Giáp Thìn. Hình tượng con rồng còn xuất hiện nhiều trong các câu thành ngữ, tục ngữ dân gian Việt Nam.

ca-chep-hoa-rong.jpg
Thành ngữ “cá chép hóa rồng” nói về sự kiên trì, lòng dũng cảm và sự biến đổi tốt đẹp.

Lạ lùng “rồng đến nhà tôm”

Rồng và tôm là hai con vật trong số nhiều con vật mà ta thường nói tới: Gà, lợn, trâu, bò, chó, dê... Nhưng hai con vật này (rồng và tôm) lại có nhiều điều đặc biệt.

Tôm thì chúng ta đã quá quen rồi. Tôm là “động vật thân giáp, không có mai cứng, bụng dài, có nhiều chân bơi, sống dưới nước” (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Tôm và tép cùng họ với nhau. Người ta thường bắt tôm, bắt tép để ăn và chúng đều bị coi là những con vật tầm thường.

Còn rồng là “con vật tưởng tượng theo truyền thuyết, mình dài, có vảy, có chân, biết bay, được coi là loài cao quý nhất trong các loài vật”. Vì là con vật tưởng tượng nên dân gian hình dung ra con rồng với diện mạo phi thường, có những khả năng và phẩm chất phi thường. Trong tâm thức người Việt (và một số dân tộc phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...), rồng là con vật đứng đầu trong nhóm “tứ linh” long - lân - quy - phượng (long: rồng, lân: kỳ lân, quy: rùa, phượng: phượng hoàng). Chả thế mà chỉ có vua mới được ví với rồng, như long thể (mình vua), long bào (áo của vua), long sàng (giường của vua)...

Việc rồng - một con vật được xếp vào hàng quyền quý, cao sang đến nhà con tôm nhỏ bé, thân phận thấp hèn là một chuyện lạ lùng, khó xảy ra. Thực tế thì chuyện như vậy đâu có ở đời? Trước hết là một trong hai con vật (con rồng) không có thật. Thứ hai là nếu cả hai đều tồn tại ở trên đời thì làm gì có chuyện một con vật ngự trên trời trên đất kia lại quá bộ ghé thăm một loài thủy sản chuyên ẩn mình dưới nước. Những chuyện lạ như vậy có khác nào “rồng vàng tắm nước ao tù” (con rồng quyền quý không thể trẫm mình xuống nước ao tù - vốn bẩn thỉu, nhơ nhuốc), hay “rồng ngủ với giun” (người sang sao lại ở với kẻ hèn, như người quân tử phải ở với kẻ tiểu nhân, người khôn ngoan ở với người khờ dại)...

“Rồng đến nhà tôm” - dân gian mượn thành ngữ này để diễn tả cách nói ví von, chỉ một người thuộc tầng lớp cao sang lại hạ cố đến thăm một kẻ thấp hèn nào đó. Bây giờ thành ngữ này rất hay dùng để thể hiện thái độ khiêm tốn, nhún nhường (có phần kiểu cách) khi ai đó đột nhiên được đón tiếp một vị khách đặc biệt tới nhà mình chơi. Ví dụ: “Ôi chao! Chả mấy khi “rồng đến nhà tôm”. Quý hóa quá!”.

“Cá chép hóa rồng”?

Xưa nay người ta vẫn thường nhắc tới câu thành ngữ “cá chép hóa rồng”. Ca dao xưa cũng có câu: “Bao giờ cá chép hóa long/ Đền ơn cha mẹ chờ mong tháng ngày”.

Cá chép là một loại cá nước ngọt, thân dày, lưng cao, có màu hơi sẫm, đuôi đỏ, được xem là loại thủy sản giàu dinh dưỡng (“Thịt gà, cá chép, ba ba”), có thể nấu thành các món ăn ngon, hấp dẫn. Còn rồng (long) là con vật chỉ có trong tưởng tượng. Giống như tôm với rồng, cá chép và rồng là hai con vật khác hẳn nhau. Một con có thực, một con chỉ có trong quan niệm dân gian (và qua lịch sử, nó lại được thêu dệt nên nhiều điều mới lạ). Nhưng tại sao người ta lại lấy cá chép và rồng (long) để ví với một sự tình rất lạ, rất thần kỳ (cá chép hóa thành rồng)?

Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, từ xa xưa, chính ông Trời là người tạo ra những hiện tượng thời tiết như mưa, gió, sấm, chớp. Nhưng sau này, vì bận bịu, Trời bèn sai rồng (là con vật ở cõi trời) phun nước xuống trần gian làm ra mưa (rồng phun nước bạc). Tuy nhiên, số lượng rồng lại quá ít, không đủ sức đảm đương và cai quản việc mưa gió trên mặt đất nên Trời quyết định hằng năm mở khoa thi để tuyển chọn người cùng tham gia việc “hô phong hoán vũ” (kêu gió gọi mưa).

Cuộc thi gồm ba kỳ, mỗi kỳ các “thí sinh” phải vượt qua một đợt sóng lừng rất lớn. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt qua cả ba đợt thì mới đậu để được hóa rồng. Trong một tháng trời, mọi loài thủy tộc đến dự thi lần lượt bị loại. Cá rô khỏe nhảy qua được một đợt, đợt sau thì bị rớt. Con tôm nhảy qua được hai đợt, vẫy đôi râu đã gần hóa rồng, song đến đợt thứ ba, đuối sức bị ngã nên lưng tôm cong lại, phải bỏ cuộc... Đến lượt cá chép vào thi. Nó ngậm một viên ngọc vào miệng để chọi với nhiều đợt sóng to, sóng dữ. Nhờ viên ngọc quý cùng lòng kiên trì và sự can đảm, cá chép lần lượt vượt qua ba cửa Vũ môn và thế là cá chép chính thức hóa thành rồng.

Cá chép hóa rồng - chuyện lạ biến thành thực. Thực ra, chú cá chép nào cũng muốn vượt qua Vũ môn, hóa rồng để ngạo nghễ đứng trên muôn loài nhưng không phải con nào cũng đủ phẩm chất và khả năng để hóa rồng. Từ sự tích này, dân gian ta muốn truyền tải một thông điệp nhằm tôn vinh chuyện học hành, thi cử. Nếu con người ta có trí thông minh, có tinh thần quyết tâm, có lòng quả cảm, có đôi chút may mắn... thì sẽ làm nên sức mạnh to lớn để đi tới đích huy hoàng, giống như con cá chép kia vượt được Vũ môn và giành chiến thắng cuối cùng: “Sóng to gió lớn ngại chi/ Cá chép bền bỉ đến khi hóa rồng”.