Thế giới

“Cơn thịnh nộ” chưa có hồi kết của nông dân Ấn Độ

Quỳnh Dương 19/02/2024 - 08:00

Cuộc biểu tình của nông dân Ấn Độ kéo dài suốt một tuần qua chưa có dấu hiệu kết thúc bởi các cuộc đàm phán với chính phủ không đạt được kết quả như mong đợi. "Cơn thịnh nộ" của những người sản xuất nông nghiệp diễn ra vào thời điểm cách cuộc tổng tuyển cử chưa đầy 3 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề, con đường hướng tới nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Narendra Modi nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

nong-dan-an-do-bieu-tinh-ta.jpg
Nông dân Ấn Độ biểu tình tại bang Punjab và Haryana.

Theo thông tin cập nhật từ báo chí Ấn Độ ngày 18-2, vòng đàm phán thứ tư giữa chính phủ và đại diện nông dân đã được tiến hành nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 13-2. Hàng chục nghìn người tham gia tuần hành hướng về thủ đô New Delhi đang bị cảnh sát chặn lại. Hiện, đám đông biểu tình đang cắm trại tại ranh giới địa phận giữa bang Punjab và Haryana.

Yêu cầu của người biểu tình đối với chính phủ là phải bảo đảm mức giá tối thiểu (MSP) cho hầu hết nông sản và thực hiện một số ưu tiên khác về vay vốn cũng như tăng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu, hạn chế đầu tư nước ngoài trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp...

MSP là mức giá tối thiểu mà chính phủ quy định để thu mua một số loại nông sản nhằm bảo đảm nông dân không phải chịu lỗ trong sản xuất nông nghiệp. Các yếu tố xác định MSP bao gồm chi phí sản xuất, giá cả trong nước và quốc tế, điều kiện cung - cầu, giá cây giống, điều kiện thương mại giữa các khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. MSP bảo đảm lợi nhuận ít nhất 50% so với chi phí sản xuất cho người nông dân. Ngoài ra, nếu nông sản được giá, nông dân được quyền tự do bán cho các đối tác tư nhân. Đây được cho là một chính sách thiết yếu của Chính phủ Ấn Độ bảo đảm đời sống cho nông dân cũng như mức giá bình ổn cho thị trường.

Tuy nhiên, theo đại diện các nhóm biểu tình, hàng triệu nông dân Ấn Độ đang không nhận được sự hỗ trợ thỏa đáng từ chính phủ. Dù hằng năm, theo cơ chế MSP, chính phủ công bố giá hỗ trợ cho hơn 20 loại cây trồng, nhưng các cơ quan nhà nước chỉ mua gạo và lúa mì ở mức đã đề ra, mang lại lợi ích cho khoảng 7% nông dân. Còn nhiều loại nông sản khác không thể bán với mức giá tối thiểu trên thị trường. Việc không được trợ giá, thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất tăng vọt, giá nông sản thấp... sẽ đẩy người nông dân vào thế khốn cùng, buộc phải từ bỏ nông nghiệp.

Mặt khác, những người biểu tình cũng mong muốn Thủ tướng Narendra Modi thực hiện cam kết được đưa ra năm 2016 là tăng cường đầu tư vào phát triển nông thôn, tăng gấp đôi thu nhập của nông dân vào năm 2022.

Ba vòng đàm phán trước diễn ra vào các ngày 8, 12 và 15-2 đều không đạt kết quả do chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của nông dân về việc hỗ trợ thu mua các loại nông sản bằng mức giá tối thiểu, qua đó ổn định thu nhập của người làm nghề nông. Số liệu từ nhà chức trách Ấn Độ cho thấy, những năm gần đây, chính phủ đã chi tới 24,7 tỷ USD/năm để hỗ trợ thu mua 2 mặt hàng chủ lực là gạo và lúa mì nhằm tạo nguồn dự trữ thực hiện chương trình phúc lợi lương thực lớn nhất thế giới, cho phép 800 triệu người Ấn Độ được miễn phí gạo và lúa mì. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mua tất cả nông sản ở mức giá hỗ trợ tối thiểu do nhà nước quy định là không thực tế và không khả thi xét về quy mô ngân sách.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phải đối mặt với sức ép từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Canada, Mỹ và Australia. Trong vài thập kỷ qua, thông qua WTO, để bảo đảm cạnh tranh công bằng, New Delhi dần giảm bớt trợ giá trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy Chính phủ Ấn Độ vào tình thế “tiến thoái, lưỡng nan”.

Để ứng phó với cuộc biểu tình, chính quyền các bang đã khuyến cáo người dân lên kế hoạch di chuyển cẩn thận nhằm tránh các tuyến đường bị phong tỏa. Trong khi đó, lệnh cấm dịch vụ internet di động đã được gia hạn đến ngày 19-2 tại khu vực biểu tình để ngăn chặn những bình luận kích động được tung lên mạng xã hội khiến tình hình trở nên phức tạp...

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, kể từ làn sóng biểu tình đầu tiên vào năm 2021, nông dân Ấn Độ đã trở nên thành thạo trong việc củng cố và duy trì các lều trại dọc đường cao tốc. Họ cũng có dư thời gian để kéo dài cuộc biểu tình và có thể biểu đạt “cơn thịnh nộ” của mình trên lá phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra từ khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 tới. Điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ cho Thủ tướng Narendra Modi khi ông đang nỗ lực hướng tới tham vọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba.