Tìm cơ hội công việc mới: Thận trọng trước khi quyết định
Thực tế cho thấy, với nhiều người lao động, việc thay đổi công việc có thể phù hợp với nguyện vọng phấn đấu và khả năng phát triển của bản thân. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động việc làm như hiện nay, người lao động cần thận trọng trước những quyết định thay đổi việc làm...
Nhiều người tìm việc làm
Chị Nguyễn Huyền Anh (Chung cư Imperia Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) vốn là nhân viên giao dịch tại một ngân hàng thương mại tại quận Thanh Xuân. Lợi thế đi làm gần nhà với mức lương ổn định không thu hút chị Huyền Anh gắn bó với công việc. Do đó, chị đã quyết định nghỉ việc. “Trước mắt, tôi kinh doanh tự do mặt hàng mỹ phẩm. Tôi tự tìm nguồn hàng, chào bán trên các trang mạng xã hội cá nhân Zalo, Facebook và trực tiếp đi giao hàng khi có khách mua”, chị Huyền Anh chia sẻ.
Một trường hợp khác là chị Trần Thị Thanh Thủy đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động ở một trường mầm non tại quận Ba Đình. Chị Thủy cho biết, mặc dù cơ hội tìm việc làm mới rất khó khăn nhưng thấy sức khỏe hiện tại không thể đảm đương yêu cầu công việc nên chị muốn tìm việc phù hợp hơn. Còn anh Bùi Văn Hà (lái xe quê ở tỉnh Hòa Bình, đang thuê trọ tại quận Nam Từ Liêm) cũng vừa thông báo cho chủ xe sẽ nghỉ việc vì có nơi mới nhận vào làm với mức lương cao hơn (15 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, còn một bộ phận người lao động "nhảy việc" vì muốn tìm "việc nhẹ, lương cao" nên mạo hiểm tham gia các hội nhóm kinh doanh online (trực tuyến) với những người không quen biết. Lợi dụng tâm lý này, nhiều đối tượng lừa đảo đã tạo ra những chiếc bẫy thông qua lời quảng cáo về công việc nhẹ nhàng nhưng nhận được thù lao "ngất ngưởng". Chị Đinh Thị Hằng (quận Đống Đa) vốn là một nhân viên bán hàng siêu thị, khi đọc được thông tin về công việc cộng tác viên bán vé máy bay và tour du lịch giá rẻ với mức hưởng hoa hồng lên đến 2 triệu đồng/ngày trên Facebook, chị đã tham gia.
Sau khi được khách đặt cọc một phần tiền, chị Hằng bỏ thêm tiền cá nhân để chốt tour cho khách. Ban đầu, chị được phía đối tác thanh toán đầy đủ số tiền hoa hồng cho mỗi giao dịch khiến chị quyết định nghỉ hẳn công việc bán hàng. Không ngờ, rủi ro đến với chị khi phía đại lý du lịch không trả phiếu giảm giá để áp dụng cho các đoàn tour khiến chi phí tăng hơn dự định ban đầu. Bên cạnh đó, lịch trình các tour bị thay đổi, nhiều khách hàng hủy bỏ chuyến đi khiến chị Hằng xoay xở đủ kiểu để đền bù. Khi không kham được nữa, chị Hằng mới nhận ra tổng số tiền thiệt hại đã lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Cần chắt chịu cơ hội
Bên cạnh một số người có tâm lý chọn việc tốt hơn để làm, thì trong bối cảnh hiện nay, để duy trì một việc làm ổn định đối với nhiều người không phải là chuyện đơn giản. Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định, vì thế, thị trường lao động cũng bị tác động, nhiều người lao động phải ngừng việc hoặc mất việc, phải làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, chỉ trong tháng 1-2024, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.234 trường hợp, số tiền được hỗ trợ là 153,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, có một thực tế là nhu cầu tìm việc làm của người lao động luôn rất lớn, trong khi nguồn cung dồi dào nên các nhà tuyển dụng có xu hướng lựa chọn nhân sự trình độ cao nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, trong tháng 1-2024, Trung tâm đã thực hiện phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc với sự tham gia của 154 doanh nghiệp, tuyển dụng hơn 23.000 chỉ tiêu. Qua thống kê nhu cầu tuyển dụng lao động cho thấy, doanh nghiệp cần lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có tỷ lệ cao nhất (38,9%), công nhân kỹ thuật chiếm 34,7%, còn lao động phổ thông ở mức 26,4%.
Trong bối cảnh chung và các số liệu kể trên cho thấy, thị trường lao động còn không ít khó khăn, thách thức. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, người lao động cần chắt chiu cơ hội việc làm mới và thận trọng khi chuyển việc làm; đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ các điều kiện về bằng cấp, kinh nghiệm cũng như thu nhập, mức độ ổn định của công việc trước khi đưa ra quyết định thay đổi.
Ở góc độ cơ quan chức năng đồng hành với người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, trong tháng 1-2024 đã có 5.234 người lao động mất việc, tạm thời nghỉ việc được tư vấn, hỗ trợ để tìm việc làm mới. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động tìm được công việc phù hợp năng lực, trình độ và nhu cầu bản thân. Đặc biệt, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động bị mất việc, ngừng việc. Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tìm các giải pháp tạo cơ hội việc làm, người lao động cần tỉnh táo để tránh bị sập bẫy "việc nhẹ, lương cao", vừa mất đi công việc đang ổn định, vừa bị thiệt hại tài chính.