Đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ công tác cán bộ
1. Câu chuyện ông Nguyễn Thành Danh, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương - người duy nhất trong số bị cáo vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số địa phương được tòa sơ thẩm quyết định miễn trách nhiệm hình sự về tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, được dư luận hết sức quan tâm và thể hiện sự đồng tình.
Theo Hội đồng xét xử, căn cứ quá trình giải quyết vụ án, tòa án quyết định áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với ông Danh như đã nêu trên. Lý do là, mặc dù đã có thể nghỉ hưu trước thời hạn, nhưng khi được đề nghị, ông Danh đồng ý ở lại để sát cánh cùng đồng nghiệp trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19. Quá trình thực hiện có xảy ra vi phạm, nhưng tòa xác định, ông Danh đã “dám nghĩ, dám làm”, vì sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương nhiều lần từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á.
Với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, pháp luật của Nhà nước ta luôn nghiêm trị những kẻ vì vụ lợi mà bất chấp pháp luật, đạo lý để phạm tội; đồng thời luôn khoan hồng đối với người lần đầu phạm tội, ăn năn, hối cải, thật thà khai báo, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong những tình huống đặc biệt, hoàn toàn vì lợi ích chung. Việc Hội đồng xét xử miễn trách nhiệm hình sự đối với nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương thêm một lần nữa khẳng định: Pháp luật rất công minh, đúng tinh thần khuyến khích, bảo vệ người không vụ lợi cũng như thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta. Đồng thời cũng cho thấy, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo phân hóa xử lý các đối tượng phạm tội nhưng không có vụ lợi, vì lợi ích chung trong các vụ đại án đã được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa ra thời gian qua.
Cũng với tinh thần này, trước đó, tại kỳ họp thứ 14 (tháng 4-2022), xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định không thi hành kỷ luật các đồng chí: Quách Cường và Hồ Mỹ Hòa. Lý do là, các đồng chí: Quách Cường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị Saigon Co.op; Hồ Mỹ Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op, tuy có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, song các đồng chí đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai trái của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng; trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.
2. Đội ngũ cán bộ có vai trò quan trọng trong việc tham mưu, hoạch định chính sách, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, Ðảng ta luôn coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Trong thời gian qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nhờ vậy, trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tuy vậy, sau 27 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), công tác cán bộ bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn hạn chế, bất cập. Công khai, minh bạch, dân chủ, kết luận theo đa số là vấn đề có tính nguyên tắc, được thể hiện trong toàn bộ quy trình công tác cán bộ, nhưng trên thực tế việc thực hiện còn chưa nghiêm, đối tượng, nội dung, phạm vi, mức độ công khai cũng khác nhau. Chính việc làm thiếu dân chủ, công khai, công bằng, công tâm, minh bạch trong công tác cán bộ ở một số nơi là nguyên nhân dẫn tới những hệ lụy. Đó là, tình trạng cấp dưới phụ thuộc, thiếu tin tưởng vào cấp trên, lo xây dựng các mối quan hệ hơn là chú tâm vào công việc, lo giữ mình hơn là đấu tranh cho lẽ phải. Một số vụ việc bổ nhiệm người nhà, “thăng tiến thần tốc”, bổ nhiệm, luân chuyển “chui”… khiến dư luận bức xúc. Hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, tư tưởng cục bộ… vẫn tồn tại trong công tác cán bộ, làm cho bộ máy suy yếu, niềm tin của nhân dân đối với Đảng bị giảm sút…
Vì vậy, tiếp tục đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ công tác cán bộ, đặc biệt là kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực then chốt này là đòi hỏi cấp thiết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ có sai phạm thì tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham nhũng, sẽ được miễn giảm, xử nhẹ hơn. Chúng ta khuyến khích “nếu ai đã trót ít, nhiều nhúng chàm thì tự gột rửa đi”. Đây là cái mới, rất nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho người ta tiến, chứ không phải vùi dập. Đồng thời, tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ “Quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, có nêu: Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định. Tinh thần của Đảng, Nhà nước ta là như thế và được nhân dân đồng tình.
Để làm trong sạch bộ máy thì việc xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” đi đôi với bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội, thực sự rất cần thiết và cần được tiến hành một cách đồng bộ. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, văn minh, thịnh vượng.