Tạo “lá phổi xanh” bảo vệ Thủ đô
Hiện nay, các địa phương của Hà Nội đang duy trì hiệu quả phong trào “Tết trồng cây”, trồng và chăm sóc rừng, mang lại giá trị thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Dưới đây là một số ý kiến của lãnh đạo địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội về vấn đề nói trên.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm:
Đa dạng mô hình trồng, chăm sóc cây xanh
Quận Hoàn Kiếm ở vị trí trung tâm Thủ đô, nơi có mật độ dân cư và phương tiện tham gia giao thông rất cao. Chính vì vậy, quận luôn quan tâm đến công tác trồng, chăm sóc cây xanh để bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sống của người dân. Hằng năm, ngoài hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, quận còn triển khai nhiều mô hình trồng cây xanh như trồng bổ sung, thay thế khoảng 1.000 cây xanh đô thị vào các vị trí cây đổ do mưa bão và trồng thêm 25.000m2 cây đơn lẻ, mảng cây xanh, thảm cỏ tại các vườn hoa, công viên, hè phố và trong khuôn viên trường học. UBND quận Hoàn Kiếm còn nghiên cứu cải tạo, chỉnh trang 11 vườn hoa trên địa bàn quận (gồm vườn hoa đền Bà Kiệu, Diên Hồng, Cổ Tân, Tây Sơn, Cửa Nam, Phùng Hưng, Mê Linh, Bác Cổ, Tao Đàn, 19-8, Ngô Quyền - Trần Nguyên Hãn) và các không gian công cộng như phố sách Hà Nội tại phố 19-12...
Bên cạnh đó, quận còn kêu gọi các nguồn xã hội hóa nhằm cải tạo bờ vở ven sông Hồng tại phường Chương Dương và Phúc Tân thành không gian công cộng đa chức năng như vườn rừng, công viên, sân chơi nhiều bóng mát. Đây là những mô hình rất ý nghĩa, không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ cây xanh, tăng cường trồng cây xanh tạo bóng mát cho không gian công cộng, hướng tới mục tiêu xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Ông Trần Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai:
Trồng bổ sung 10ha rừng trong năm nay
Hằng năm, nhân dân trong huyện Quốc Oai tích cực tham gia hưởng ứng “Tết trồng cây”, góp phần cải tạo môi trường, chống biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, huyện đã trồng được nhiều cây phân tán, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, tích cực chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Điển hình, năm 2023, toàn huyện đã trồng được hơn 13.000 cây xanh, cây ăn quả các loại, trồng bổ sung được hơn 10ha rừng. Các vườn cây ăn quả sau khi trồng đã cho giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn ở xã Đại Thành; bưởi Diễn, bưởi chua đầu tôm ở xã Sài Sơn, Nghĩa Hương, Phượng Cách; ổi ở xã Yên Sơn, Tuyết Nghĩa...
Để tiếp tục trồng được nhiều cây xanh, góp phần cải tạo môi trường và mang lại nhiều lợi ích cho người dân, năm 2024, huyện Quốc Oai phát động đến 21 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học trồng 3.000 cây xanh phân tán, 10.000 cây ăn quả và trồng bổ sung 10ha rừng. Theo kế hoạch, các đơn vị trên địa bàn huyện bắt đầu trồng cây từ ngày 14-2.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội:
Nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội
Hà Nội có 27.162ha rừng và đất lâm nghiệp được phân bố ở 7 huyện, thị xã là Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Rừng ở Hà Nội là vành đai xanh bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô. Nhận thức được tầm quan trọng này, ngành Kiểm lâm Hà Nội đã tham mưu Thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển rừng bền vững giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ che phủ rừng ở mức 5,67 - 6,2%.
Để đạt mục tiêu này, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa trên địa bàn các huyện, thị xã có rừng. Chi cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; từng bước phục hồi và nâng cao chất lượng rừng hiện có; tăng cường năng lực quản trị cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng trên hệ thống số hóa.
Hằng năm, Chi cục xây dựng kế hoạch và triển khai tới các địa phương thực hiện trồng rừng tập trung khoảng 30 - 40ha/năm, trồng 400.000 cây phân tán/năm... Khi trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các địa phương và chủ rừng chọn, tạo giống cây theo tiêu chuẩn để nâng cao năng suất, chất lượng cây rừng. Các địa phương cần xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các khu rừng có tiềm năng để tạo nguồn thu tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp...
Triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch nói trên không chỉ góp phần phát triển rừng bền vững, nâng độ che phủ rừng, mà còn tạo ra “lá phổi xanh tự nhiên” bảo vệ Thủ đô...