Thường Tín khai bút, khai xuân tại các làng nghề truyền thống
Chiều 18-2, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thường Tín trang trọng tổ chức khai bút, khai xuân tại các làng nghề truyền thống...
Trước lễ khai mạc, các đại biểu trang trọng dâng hương tại Văn Từ Thượng Phúc, thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Đây là nơi lưu giữ văn bia ghi chép rõ họ tên 44 vị tiến sĩ của huyện Thượng Phúc xưa, nay là huyện Thường Tín.
Sau lễ dâng hương, nghi lễ khai bút, khai xuân tại các làng nghề truyền thống, khai mùa du lịch được huyện Thường Tín tiến hành trang trọng, thể hiện tinh thần đề cao việc học, coi trọng phát triển nghề truyền thống, thi đua lao động sản xuất, phấn đấu một năm đạt nhiều thành công, góp phần đưa huyện Thường Tín sớm trở thành quận của Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín có 126 làng có nghề, trong đó có 48 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống.
Ngoài ra, Thường Tín còn có 462 di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật dân gian còn được lưu giữ như hát chèo, hát trống quân, lễ hội truyền thống (Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên, Lễ hội làng Từ Vân xã Lê Lợi, Lễ hội đình - chùa Mui xã Tô Hiệu, Lễ hội Đền Bộ Đầu xã Thống Nhất, Lễ hội chùa Đậu xã Nguyễn Trãi...) tạo nét đẹp trong không gian văn hóa truyền thống của vùng đất danh hương.
Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề - du lịch tâm tinh, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tri ân các tổ nghề, các bậc tiền nhân có công lưu giữ, truyền nghề cho nhân dân, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín luôn coi trọng việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống, làm động lực để xây dựng huyện ngày càng văn minh, giàu đẹp. Ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hằng năm, tại Văn Từ Thượng Phúc, “Lễ khai bút và sản xuất các làng nghề truyền thống, khai mùa du lịch năm 2024” như hiệu lệnh, tiếng trống thúc giục toàn thể cán bộ, nhân dân trong huyện đề cao việc học, thi đua lao động sản xuất, phát triển nhiệm vụ kinh tế - xã hội...
Bước sang năm 2024, là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra với tinh thần “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Năm 2024, bám sát sự chỉ đạo của thành phố và nhiệm vụ chính trị của địa phương, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả 10 chương trình công tác của Thành ủy, 9 chương trình công tác của Huyện ủy; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, quyết tâm hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế của từng ngành, lĩnh vực như: Giá trị sản xuất dịch vụ - thương mại tăng 18,5% so với năm 2023; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 18,9% so với năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp tăng 17% so với năm 2023; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,4% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (theo phân cấp) 1.994,8 tỷ đồng.
Nhân dịp này, huyện Thường Tín khen thưởng các thầy, cô giáo, học sinh có thành tích tiêu biểu trong học tập; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống.