Văn nghệ

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Hiển:Mang sắc thái dân tộc vào từng tác phẩm múa

Vân Thảo 18/02/2024 - 18:40

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Thị Hiển là một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực sáng tác và đào tạo của ngành múa Việt Nam, có tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Bà cũng là một trong những phụ nữ đầu tiên làm công tác biên đạo múa chuyên nghiệp, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ nghệ thuật học tại Học viện Nghệ thuật sân khấu quốc gia Mátxcơva (Liên Xô).

mua-1.jpg

1. Sinh ra tại Phú Xuyên (Hà Nội), năm 3 tuổi (1946), khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Hà Nội, cô bé Nguyễn Thị Hiển đã cùng gia đình tản cư, chọn huyện Đô Lương (Nghệ An) làm nơi cư trú và sinh sống tại đây cho đến năm 1954 thì chuyển về Vinh. Năm 1959, khi Nguyễn Thị Hiển đang học lớp 8 trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng thì đoàn giáo viên Trường múa Việt Nam về tuyển sinh và cô học trò 16 tuổi đã lọt qua vòng sơ tuyển.

Hành trình ra Hà Nội dự chung tuyển của Nguyễn Thị Hiển có lời căn dặn, động viên của bố: “Không chắc đỗ, nhưng con cứ đi thi cho biết”. Vậy mà cô học trò xứ Nghệ chính thức trở thành học viên khóa I của Trường múa Việt Nam. Hết năm học đầu tiên, với kết quả học tập xuất sắc, bà được nhà trường cử đi học biên đạo múa tại Đại học Nghệ thuật sân khấu Quốc gia Mátxcơva. Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc tại đây, năm 1964, nghệ sĩ Nguyễn Thị Hiển trở về Việt Nam công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, được mời làm việc với những đoàn nghệ thuật lớn như Đoàn Ca múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh...

Từ thời điểm này, nghệ sĩ Nguyễn Thị Hiển bắt đầu hành trình sáng tạo nghệ thuật với hàng loạt tác phẩm như “Trừ Văn Thố”, “Trong tù”, “Quê hương”, “Vũ khúc Nga”, “Những cô gái sông Hương”, “Hà Nội niềm tin hy vọng”, “Những cô gái Chăm”, “Bức tranh thôn nữ”... Đặc biệt, các tác phẩm thơ múa như “Nhớ về Đồng Lộc” (Huy chương Vàng (HCV) tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985), “Xuân về trên bản Khơ Mú” (HCV Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985), “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn” (HCV Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995)... của bà đã được nhiều đoàn dựng lại và biểu diễn trong thời gian dài.

2. Có thể nói, mỗi tác phẩm thơ múa, kịch múa và các điệu múa ngắn do nghệ sĩ Nguyễn Thị Hiển sáng tác và biên đạo đều là những câu chuyện đặc biệt của người nữ nghệ sĩ đau đáu với ngành múa nước nhà. Đó là những năm tháng miền Bắc bị máy bay Mỹ ném bom (1967), cả đoàn đi sơ tán, đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc, chồng bà đi làm phim ở vùng tuyến lửa Vĩnh Linh, bà cứ mải công việc, đến khi sinh con đầu lòng cũng chỉ có một mình. Là những lúc dựng chương trình căng thẳng, hò hét đến mức mất giọng mà di chứng còn lại đến tận bây giờ...

mua-3.jpg
NSND Nguyễn Thị Hiển thị phạm trong một vở diễn tại Nghệ An.

Những năm 1980, 1990, đề tài chiến tranh, hậu chiến được khai thác mạnh mẽ trong văn học nghệ thuật, lĩnh vực múa cũng không ngoại lệ. Tiếng lành đồn xa, nghệ sĩ Nguyễn Thị Hiển được Đoàn Ca múa kịch Nghệ An mời về đạo diễn chương trình và xây dựng các tác phẩm múa, trong đó có vở thơ múa “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn” nói về các nữ thanh niên xung phong ở Truông Bồn. Vốn có tình cảm với xứ Nghệ, nơi bà coi là quê hương thứ hai của mình, nhưng ban đầu nghệ sĩ Nguyễn Thị Hiển vẫn từ chối bởi nhà neo người, con nhỏ, không thể đi và bản thân cũng chưa nghĩ ra ý tưởng gì mới. Thế nhưng, các cán bộ đại diện đoàn từ Nghệ An ra nhà bà ở Hà Nội một mực đề nghị: “Lãnh đạo giao nhiệm vụ mời chị về, nếu không mời được thì chúng tôi không được về!”... Vậy là bà thu xếp hành lý lên đường vào Nghệ An ngay trong đêm hôm đó.

Dù học ở nước ngoài, được tiếp cận với nghệ thuật thế giới, nhưng nghệ sĩ Nguyễn Thị Hiển luôn biết dung hòa chất liệu dân gian, nét văn hóa dân tộc trong các sáng tác của mình. Hầu hết các tác phẩm của bà được đánh giá cao về nghệ thuật, tư tưởng với nét nổi bật là giàu chất thơ, hình tượng và ngôn ngữ múa mang đậm sắc thái dân tộc, hơi thở thời đại.

3. Để có thể toàn tâm toàn ý đóng góp cho ngành múa nước nhà, NSND Nguyễn Thị Hiển bảo bà đã phải từ chối nhiều lời mời... làm sếp. “Tôi chỉ thích làm chuyên môn, không thích làm quản lý vì làm quản lý rất mất thời gian cho các công việc hành chính. Vả lại thời chiến tranh, vừa làm mẹ, làm vợ vừa làm chuyên môn đã thấy vất vả rồi” - bà tâm sự.

mua-2.jpg
Biên đạo múa Nguyễn Thị Hiển hướng dẫn diễn viên múa Chu Thúy Quỳnh tập một tác phẩm múa.

Dù gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp biên đạo nhưng với niềm mong mỏi sâu sắc là làm sao để nền nghệ thuật múa nước nhà không ngừng phát triển, bà liên tục tham gia công tác đào tạo. Bà là giảng viên chủ chốt môn Biên đạo múa cho các cơ sở đào tạo ngành múa bậc đại học và cao đẳng như Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam... Hiện tại, học trò của bà có 9 người là NSND, trong đó có 4 người được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và hơn 30 người được phong danh hiệu NSƯT.

Trò chuyện với NSND Nguyễn Thị Hiển trong không gian tràn ngập không khí mùa xuân, tôi nhận ra dấu ấn từ những đóng góp trong lĩnh vực sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bà đối với nghệ thuật múa Việt Nam. Phòng khách nhà bà tràn ngập áp phích và poster phim của NSND Bùi Đình Hạc cùng với các tấm hình ông đang làm phim. Một bầu không khí đậm chất điện ảnh vương tới tận các bậc cầu thang, nơi treo tấm bằng xuất sắc và giải thưởng điện ảnh của người con trai lớn của ông bà, đạo diễn - NSƯT Bùi Trung Hải. Bắt đầu với múa từ chữ “duyên”, đến thời điểm hiện tại bà thầm cảm ơn cuộc đời đã đưa bà đến với nghệ thuật múa, để rồi với sự tâm huyết, hết lòng với công việc, bà đã có được thành công, hạnh phúc như ngày hôm nay.

PGS.TS.NSND, giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Hiển sinh ngày 12-4-1943 tại xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. 55 năm làm công tác biên đạo múa chuyên nghiệp, bà đã sáng tác, dàn dựng khoảng 90 tác phẩm múa, gồm nhiều hình thức và thể loại. Bà đã được tặng 16 Huy chương Vàng, Bạc (giải riêng cho biên đạo) tại các Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; 4 giải thưởng Nghệ thuật hạng A, 2 giải thưởng hạng B của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; 2 giải Nhì của Bộ Quốc phòng. Bà còn là Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam (1990 - 1995).
Bà được phong danh hiệu NSƯT năm 1988 và trở thành NSND vào năm 1997; được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (2004), Huân chương Kháng chiến hạng Ba (1983)...