Từ sới vật hội làng đến đấu trường quốc tế
Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, những sới vật hội làng được mở ra ở nhiều địa phương của thành phố Hà Nội mang lại không khí vui tươi ngày xuân, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của người dân.
Những sới vật sôi động ấy, không chỉ thắp lên niềm đam mê với môn thể thao truyền thống mà từ đó còn tuyển chọn ra nhiều vận động viên chất lượng cho đội tuyển vật của Hà Nội cũng như quốc gia hướng đến đấu trường quốc tế.
Hấp dẫn những sới vật làng
Cứ mỗi độ xuân về, sới vật trở thành hoạt động không thể thiếu ở các hội làng Hà Nội. Sới vật luôn thu hút đông đảo người dân đến xem bởi sức hấp dẫn của môn thể thao truyền thống này. Theo ông Nguyễn Văn Trường, cán bộ phụ trách môn vật, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các sới vật thường diễn ra suốt 3 tháng của mùa xuân, nhiều nhất là tại các huyện, thị xã như: Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất, Đan Phượng, Sơn Tây...
Giải vật làng Ngô Sài (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) thường được tổ chức vào tháng Giêng hằng năm được đánh giá là một trong những giải vật có tiếng và thu hút được nhiều đô vật về tranh tài. Hay như hội vật Cát Quế (huyện Hoài Đức) được tổ chức khi đã qua “tháng ăn chơi” vẫn đông nghẹt người xem, giải thưởng cho đô vật vô địch lên tới gần trăm triệu đồng.
Còn hội vật Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã vượt qua biên giới để thu hút được nhiều đô vật ở nước ngoài đến đọ sức. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên cho biết, hội vật của xã Hồng Hà được duy trì từ lâu đời. Gần đây, Hồng Hà được chọn là nơi tổ chức nhiều giải vật lớn cả cấp quốc gia cũng như quốc tế. Từ những sới vật này, ngành Thể thao Thủ đô đã phát hiện được nhiều đô vật tài năng và tập trung đào tạo. Từ đó, nhiều đô vật đã mang Huy chương vàng về cho thành phố Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ở các đấu trường tại châu Á, Đông Nam Á.
Nơi phát hiện những tài năng
Trong các đội vật của quân đội và thành phố Hà Nội, những vận động viên được phát hiện, trưởng thành từ các sới vật hội làng, phong trào tập luyện môn vật trên địa bàn Thủ đô vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể. Trong danh sách đội tuyển vật Việt Nam từng tham dự Olympic có những người được thắp lửa đam mê, trưởng thành từ những sới vật làng như: Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Thị Lụa... Trong số này, đô vật Phí Hữu Tình đã mang về trận thắng duy nhất cho vật Việt Nam tại Thế vận hội Mùa hè 1980. Kế tiếp bước cha chú, đô vật Nguyễn Thị Lụa (huyện Quốc Oai) từng giành vé dự Olympic năm 2012 và 2016, Huy chương bạc Á vận hội năm 2010. Nguyễn Thị Lụa cũng là đô vật Việt Nam duy nhất từng hai lần liên tiếp giành vé dự Olympic.
Phụ trách bộ môn Vật (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đồng thời là Tổng Thư ký Liên đoàn Vật Việt Nam Tạ Tùng Đức ghi nhận, những vận động viên trưởng thành từ những địa phương có truyền thống môn vật sẽ tiến bộ rất nhanh vì họ được tiếp cận với môn vật từ nhỏ. Không chỉ có thể chất phù hợp với môn vật mà còn phát huy những “thế vật” hay mà họ học được từ cha, chú của mình. Hiện nay, trong Đội tuyển vật quốc gia có không ít cái tên trưởng thành từ những sới vật của thành phố Hà Nội như: Cấn Tất Dự, Phùng Khắc Huy, Nguyễn Xuân Định... Những đô vật này đã đóng góp rất nhiều Huy chương vàng SEA Games cho đội tuyển vật Việt Nam.
Trưởng phòng Quản lý thể dục - thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến cho hay, nhằm lưu giữ và phát triển môn thể thao truyền thống này, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn phải nâng cao chất lượng chuyên môn các giải đấu. Những năm gần đây, nhiều giải vật lớn cấp quốc gia được Sở phối hợp với địa phương tổ chức như: Giải vô địch vật tự do, vật dân tộc truyền thống Hà Nội, Giải Vật dân tộc toàn quốc tranh Cúp Phùng Hưng… thu hút đông đảo các vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên về thi đấu biểu diễn phục vụ người xem. Đây sẽ là nơi để các nhà chuyên môn phát hiện thêm những tài năng, tăng nguồn tuyển chọn cho Đội tuyển vật Hà Nội cũng như quốc gia.
Còn Tổng Thư ký Liên đoàn Vật Việt Nam Tạ Tùng Đức cho rằng, để môn vật Việt Nam phát triển bền vững, có được những đô vật đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, phải chú trọng đầu tư căn cơ, bài bản từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo vận động viên ở các tỉnh, thành phố, ngành. Bên cạnh đó, phía Liên đoàn Vật Việt Nam sẽ chú trọng chung tay với các địa phương để thúc đẩy phong trào tập luyện môn vật thông qua việc hỗ trợ tổ chức, tuyên truyền các giải vật truyền thống, các hội vật làng trên mạng xã hội... Cũng từ đây, phong trào vật ở địa phương được gìn giữ, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em. "Đó cũng là cách để gìn giữ, nhân lên giá trị của các sới vật hội làng, vốn không thể thiếu trong đời sống của nhân dân ta mỗi dịp xuân về", ông Tạ Tùng Đức nói.