Thế giới

Kinh tế Israel bị hạ bậc tín nhiệm: Nhiều thách thức đặt ra

Thùy Dương 18/02/2024 - 06:52

Trong bối cảnh cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ Moody's hạ bậc tín nhiệm của Israel từ A1 xuống A2, Thống đốc Ngân hàng trung ương Israel Amir Yaron vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của đất nước. Việc hạ mức tín nhiệm đặt ra nhiều thách thức nhưng nền kinh tế Israel vẫn có khả năng phục hồi sau tác động của cuộc xung đột...

israel.jpg
Chiến sự giữa Israel - Hamas gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế của Israel. Ảnh: Reuters

Moody’s đã đánh tụt hạng tín nhiệm của nền kinh tế Israel, đồng thời đưa ra nhận định triển vọng “tiêu cực” do hệ lụy từ cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza và nguy cơ xung đột lan rộng tới khu vực biên giới phía Bắc.

Theo Moody's, các vấn đề đã làm gia tăng đáng kể rủi ro chính trị cho Israel, làm suy yếu thể chế hành pháp và lập pháp, cũng như sức mạnh tài chính của nước này trong tương lai gần. Lần hạ xếp hạng tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử Israel này là một đòn giáng mạnh vào quốc gia đang vật lộn với suy thoái công nghệ cùng đầu tư trong và ngoài nước sụt giảm.

Nền kinh tế trị giá 500 tỷ USD của Israel đã phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ tăng trưởng 3,5% vào năm 2023, nhưng sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công Israel vào ngày 7-10-2023, kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng bế tắc. Người Israel ngừng chi tiêu và đi lại, hàng trăm nghìn người được gọi vào nghĩa vụ quân sự dự bị. Niềm tin của người tiêu dùng thấp ở mức chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, trong khi tỷ lệ lạm phát hằng năm đã giảm xuống còn 3%. Khi bắt đầu cuộc xung đột, hầu hết chi tiêu cá nhân chỉ dành cho những hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, người Israel không còn tâm trạng muốn đi du lịch hay tham gia các hoạt động giải trí.

Cuộc xung đột với Hamas đang khiến Israel thiệt hại ít nhất 269 triệu USD/ngày. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cũng đã hạ triển vọng tín dụng của Israel từ ổn định xuống tiêu cực do rủi ro xung đột có thể mở rộng, trong khi Fitch - cơ quan cuối cùng trong ba cơ quan xếp hạng lớn của Mỹ - đã đặt Israel vào tình trạng giám sát tiêu cực.

Tuy nhiên, Moody’s cũng nhấn mạnh các nền tảng vĩ mô và chính sách tiền tệ của Israel và bản thân nền kinh tế "đã quản lý khá tốt hậu quả từ cuộc xung đột" với một số chỉ số cho thấy sự phục hồi nhanh chóng và lực lượng lao động đang tiến gần đến mức trước chiến tranh.

Giờ đây, ngay cả khi giao tranh vẫn tiếp diễn ở Gaza, hàng nghìn quân dự bị đã được đưa về nhà, người dân quay trở lại các trung tâm mua sắm và các nhà hàng đã mở cửa trở lại.

Nhà kinh tế trưởng Gil Bufman của Bank Leumi chỉ ra dữ liệu như mua hàng bằng thẻ tín dụng cho thấy “nhu cầu đang quay trở lại” sau “tháng khủng khiếp” vào tháng 10 năm ngoái.

Ông Bufman cho rằng, điều này là do các động lực tăng trưởng vẫn còn, bao gồm tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng 2% mỗi năm... Tăng trưởng kinh tế vào năm 2023 ước tính khoảng 2%, dự đoán cho năm 2024 là từ 0,5% đến 2% trước khi tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2025.

Trong khi việc hạ mức tín nhiệm đặt ra những thách thức trước mắt cho Tel Aviv, các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện các bước để giải quyết tình hình. Các nhà lập pháp gần đây đã phê duyệt sơ bộ ngân sách nhà nước sửa đổi cho năm 2024, phân bổ kinh phí bổ sung để tài trợ cho chiến tranh và bồi thường cho các bên bị ảnh hưởng. Ngân sách cũng bao gồm các điều khoản nhằm tăng mức thâm hụt lên 6,6% GDP, từ mức 2,25% trước đó.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng đảo ngược việc hạ mức tín nhiệm, khẳng định việc xếp hạng sẽ được cải thiện một khi xung đột được giải quyết.

Gắn chặt với nền văn hóa khởi nghiệp và khả năng thích ứng, Israel được thế giới công nhận là “Quốc gia khởi nghiệp” vì những đóng góp liên ngành cho nghiên cứu và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, sau sự kiện kinh hoàng ngày 7-10-2023, khả năng phục hồi của nền kinh tế Israel một lần nữa lại chiếm vị trí trung tâm. Bất chấp tình hình an ninh đầy thách thức, các công ty Israel vẫn đứng vững trong việc thể hiện tính liên tục trong kinh doanh và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới cho khách hàng trên toàn cầu.

Như nhận xét của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Israel Amir Yaron: “Kinh tế Israel đã bắt rễ vào các nền tảng vững chắc, lành mạnh, giữvị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ. Chúng tôi đã từng vượt qua thành công các giai đoạn khó khăn trong quá khứ và nhanh chóng tăng trưởng trở lại. Nền kinh tế Israel có sức mạnh để bảo đảm lần này cũng sẽ diễn ra như vậy”.