Trưởng thành trong gian khó
Tìm cơ hội trong khó khăn, đó là con đường tốt của các vận động viên cầu lông: Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng trong năm Giáp Thìn 2024.
Năm 2024 là khoảng thời gian đáng chú ý của cầu lông Việt Nam. Những ngày cuối tháng Chạp năm Quý Mão, lần đầu tiên sau nhiều năm các vận động viên (VĐV) nam của bộ môn này lại trở thành tâm điểm trong sự chú ý của người hâm mộ, sau khi Nguyễn Hải Đăng (hạng 97 thế giới ở thời điểm đó) giành chức vô địch đơn nam giải cầu lông quốc tế Iran - nằm trong hệ thống Challenge của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF). Hải Đăng đã thắng Sathish Kumar (hạng 49 thế giới) của Ấn Độ với tỷ số 2-0 (21-17, 21-18) trong trận chung kết.
Sau khi Nguyễn Tiến Minh, từng giành vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng thế giới, lùi lại tuyến sau để nhường “đất” cho các VĐV trẻ, cầu lông nam Việt Nam hiện có những tài năng lọt vào top 100 thế giới, ngoài Nguyễn Hải Đăng (23 tuổi) còn có Lê Đức Phát (25 tuổi). Đối với họ, nhiệm vụ giành vé trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024 khá xa vời nhưng sự xuất hiện của họ cho thấy “ánh sáng sau Nguyễn Tiến Minh” và trong tương lai gần, cầu lông nam Việt Nam có thể tạo ra bước tiến khả quan trong làng cầu lông thế giới nếu được đầu tư tốt và có chiến lược tích lũy kinh nghiệm thi đấu cũng như điểm số để dần được tham dự những giải cầu lông lớn hơn.
Lê Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng và những VĐV trẻ khác có thể chọn con đường mà nữ VĐV Nguyễn Thùy Linh đã đi, tức là năng thi đấu quốc tế, bắt đầu từ những giải “khiêm tốn” để tích lũy điểm số rồi dần tham dự những giải đấu quan trọng hơn, qua đó có dịp đối đầu với những VĐV hàng đầu thế giới. Chỉ bằng cách đó - thi đấu với những ngôi sao hàng đầu, thì các VĐV Việt Nam mới có thể tích lũy kinh nghiệm, cải thiện trình độ và tiếp cận với tốp đầu.
Năm Giáp Thìn 2024, Nguyễn Thùy Linh cố gắng hiện thực hóa mục tiêu giành vé dự Olympic 2024, thậm chí là giành vị trí trong nhóm hạt giống. Trước mắt “cô gái vàng” của cầu lông Việt Nam là cơ hội lựa chọn tham gia các giải đấu quốc tế quan trọng tại Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha... nhằm giữ thứ hạng đủ để giành quyền tới Paris vào giữa năm nay. Sau khởi đầu không thành công tại giải đấu quốc tế tại Ấn Độ và Indonesia vào tháng 1-2024, Thùy Linh vẫn tự tin với con đường mà mình đã chọn. Cô nói rằng mình đã làm việc chăm chỉ trong một khoảng thời gian dài và giờ là lúc nắm lấy cơ hội để chơi ở các giải đấu quan trọng - nơi có thể cạnh tranh với những tay vợt giỏi nhất thế giới để tiến bộ nhanh hơn.
Tìm cơ hội trong khó khăn, đó là con đường tốt của Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng trong năm Giáp Thìn 2024.