Đìu hiu thị trường giúp việc ngày Tết
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 27/12/2022
Tự khắc phục để giảm chi phí
Mới sáng mùng Một tháng Chạp năm Nhâm Dần, chị Nguyễn Thanh Thủy, phường Cống Vị (quận Ba Đình) nhận tin từ người giúp việc thông báo là ngày 20 tháng Chạp sẽ về quê để lo Tết do năm ngoái dịch Covid-19 đã ở lại Hà Nội. Chị Thủy đôn đáo khắp nơi nhờ tìm người thì đều nhận được cái lắc đầu. Hiếm hoi mới có người nhận làm từ 20 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, nhưng với mức tiền công từ 800.000 đến 1 triệu đồng/ngày. Nghe giá thuê chị Thủy đành bỏ phương án tìm người giúp việc ngày Tết, chấp nhận gửi con hai bên nội, ngoại và tự khắc phục khó khăn để giảm chi phí.
Tại các trang, hội, nhóm tìm người giúp việc nhà và trông trẻ Hà Nội…, năm nay nhu cầu tìm kiếm không “nóng” như mọi năm. Mức tiền công mà người thuê đưa ra thấp hơn nhưng yêu cầu cao hơn. Chẳng hạn, chị Thùy Dương trong nhóm Giúp việc gia đình Hà Nội, nhà ở quận Cầu Giấy đăng thông tin tìm người giúp việc, chủ yếu là nấu ăn, chăm 2 bé trai 9 tuổi, giá 7 triệu đồng và sau thử việc là 8 triệu đồng. Tuy nhiên, kèm theo đó, chị Dương yêu cầu người giúp việc phải ở lại dịp Tết làm việc với mức lương tăng 200%. Vì điều kiện khắt khe này nên nhiều người giúp việc đã bỏ cuộc. Bởi nếu mức lương Tết tăng 200% thì trung bình họ chỉ được khoảng 400-500.000 đồng/ ngày, trong khi giá trông bệnh nhân cao gấp đôi.
Hoặc như anh Nguyễn Văn Bằng, phường Nam Đồng (quận Đống Đa) chia sẻ, bố anh ốm nặng 2 năm nay nên gia đình thuê người trông với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Năm nay, người giúp việc về quê ăn Tết nên anh tìm qua môi giới thì đều nhận được mức giá 1,2 triệu đồng/ngày, nên anh quyết định tự trông bố.
Đối với giúp việc theo giờ, ngoài những người làm lâu năm cho các gia đình vẫn giữ nguyên giá, thì các giúp việc theo giờ đưa ra là cao, ở mức 70.000-100.000 đồng/giờ, hoặc 1-3 triệu đồng/ngày, tùy thuộc diện tích, kết cấu căn nhà. Do đó, nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế đã cắt giảm việc thuê người dọn nhà ngày Tết.
Chị Trần Thu Hương, phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) cho biết, mọi năm chị thuê giúp việc theo giờ đến dọn nhà dịp cận Tết, mức giá trung bình là 70.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, năm nay buôn bán ế ẩm, việc làm ăn không suôn sẻ nên gia đình chị tự dọn nhà để tiết kiệm thêm một một khoản.
Cần điều tiết thị trường cung - cầu
Theo chị Nguyễn Thu Hà, Trung tâm Giúp việc Gia Bảo, xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), năm nay nguồn cung và cầu giúp việc đều ít hơn so với các năm trước. Nguyên nhân là nhiều người giúp việc muốn về quê, sum vầy với gia đình. Mặt khác, do kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình không có điều kiện thuê người giúp việc, khiến thị trường giúp việc ế ẩm. Do số người chấp nhận làm giúp việc ngày Tết rất ít, giá lại quá cao (từ ngày 15 hay 20 tháng Chạp dao động 800.000-1 triệu đồng/ngày, cao hơn 20% so với năm ngoái) nên cung - cầu khó gặp nhau.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Hồng Doan, Giám đốc Công ty Giúp việc Hồng Doan (Lô 4E, đường Trung Yên 10B, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày có khoảng 50-60 khách hàng gọi điện tìm người giúp việc ngày Tết, thì năm nay trung bình chỉ khoảng 5-10 khách hàng, thậm chí có ngày không có khách hàng nào. Bà Doan nhận định, thị trường giúp việc Tết năm nay ảm đạm hơn rất nhiều do kinh tế khó khăn nên nhu cầu tìm người giảm.
Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Thanh - người giúp việc lâu năm tại một gia đình ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết, chị trông cụ già 80 tuổi đã 3 năm nay. Tết năm nào gia đình cũng thuyết phục chị ở lại trông cụ với mức 700.000 đồng/ngày. Nếu chị không ở lại thì gia đình cũng tìm người trông, giá dịch vụ mức 800.000 đồng/ngày. Nhưng năm nay, gia đình cụ gặp khó khăn về tài chính nên không thuê người giúp việc Tết để cắt giảm chi tiêu.
Thị trường ảm đạm là vậy, tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy vẫn có một bộ phận người giúp việc ở lại làm ngày Tết với giá cao hơn, thậm chí có trường hợp trông bệnh nhân tới 1,5 triệu đồng/ngày. Nhiều gia đình vì hoàn cảnh bắt buộc, cực chẳng đã vẫn chấp nhận thuê người với giá cao, điều này gây một sức ép lớn cho thị trường giúp việc.
Từ thực tế về nguồn cung - cầu lao động giúp việc trong năm nay cho thấy, các cơ quan chức năng cần giám sát, kiểm tra tính pháp lý giữa chủ sử dụng lao động và người lao động trong nghề giúp việc gia đình, từ đó có sự điều tiết giá cả hợp lý để hài hòa nhu cầu cung - cầu lao động, giảm bớt gánh nặng cho các gia đình, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người lao động.