Bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong triển khai thi hành Luật Căn cước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 175/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Căn cước, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Căn cước trên phạm vi cả nước; nâng cao nhận thức về Luật Căn cước và trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thi hành luật.
Nội dung của kế hoạch gồm: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước; tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo cơ quan, tổ chức và người trực tiếp làm công tác quản lý căn cước; biên soạn tài liệu phục vụ công tác phổ biến Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý căn cước; rà soát văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung được giao trong Luật Căn cước; tổ chức triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Đồng thời, bảo đảm điều kiện về phương tiện, giải pháp kỹ thuật để tổ chức triển khai việc thu nhận sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói; tích hợp, khai thác thông tin trong thẻ căn cước và căn cước điện tử; mở rộng việc kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; tổ chức kiểm tra việc thi hành Luật Căn cước và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.
Trong đó, các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của Luật Căn cước và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề xuất các giải pháp về công nghệ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hệ thống lưu trữ, xử lý để triển khai thu nhận mống mắt; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp…
Luật Căn cước có 7 chương, 46 điều, quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014.
Luật Căn cước đã đáp ứng được những mục tiêu đặt ra trong quá trình xây dựng, khi có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện và xây dựng chính phủ điện tử, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta; đáp ứng yêu cầu trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công dân số, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Điều này cũng phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, cũng sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân trong đi lại, giao dịch, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, yêu cầu quản lý dân cư, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.