Thế khó của Israel trước kế hoạch tấn công Rafah
Trong bối cảnh sẵn sàng tấn công Rafah, Israel đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn tại thành phố sát biên giới Ai Cập.
Israel đối mặt với cảnh báo gia tăng từ các đồng minh và những chỉ trích về kế hoạch tấn công trên bộ nhằm vào Rafah. Thành phố ở cực Nam Gaza, cũng có thể là thành trì cuối cùng của Hamas, chứng kiến dân số tăng gấp 5 lần chỉ trong vài tháng do làn sóng di dời.
Một cuộc tấn công quy mô lớn của các lực lượng Israel có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc. Liên hợp quốc cũng lo ngại kịch bản này sẽ khiến những hoạt động nhân đạo vốn đã gặp nhiều trở ngại sẽ sụp đổ.
Sự bế tắc đang thử thách Israel. Các quan chức Ai Cập đã đe dọa đình chỉ hiệp định hòa bình 40 năm giữa hai bên nếu cuộc tấn công vào Rafah buộc người tị nạn tràn qua biên giới.
Theo Washington Post, Ai Cập đang chuẩn bị cho một kịch bản như vậy, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Mỹ không ủng hộ một cuộc tấn công toàn diện vào Rafah trừ khi Israel có thể thực hiện một “kế hoạch đáng tin cậy” để sơ tán dân thường trong vùng chiến sự.
Israel đang nỗ lực đáp ứng những lời kêu gọi quốc tế về bảo vệ dân thường trước khi giáng đòn quyết định vào lực lượng Hamas hiện cố thủ ở Rafah. Ngày 14-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lặp lại tuyên bố sẽ tấn công thành phố này, nói rằng Hamas đã tập hợp lực lượng và vũ khí còn lại tại Rafah.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu yêu cầu vạch ra kế hoạch di chuyển dân thường khỏi khu vực nguy hiểm nhưng vẫn chưa có phương án khả thi nào được phê duyệt. Theo một quan chức Israel, đề xuất của Israel về một khu trại trú ẩn dọc bờ biển Địa Trung Hải ven Gaza với hơn 350.000 lều đã không xoa dịu được những lời chỉ trích. Các nhà phân tích quân sự cho biết, Israel đã lên kế hoạch đề nghị Ai Cập hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các viện trợ khác cho khu trại kể trên, bao gồm cả viện trợ đường biển.
Theo kế hoạch sơ tán của Israel, 15 khu trại bên bờ biển, với mỗi khu gồm 25.000 lều, trải dài về phía Bắc thị trấn Al-Mawasi. Israel cho rằng, khu vực ven biển phía Tây là “vùng an toàn hơn” kể từ tháng 11-2023 nhưng Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) chưa từng hiện diện ở Al-Mawasi. Phát ngôn viên UNRWA Tamara Alrifai cho biết, viễn cảnh có thêm hàng trăm nghìn người trú ẩn tại khu vực này sẽ “yêu cầu Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo thành lập các trại mới cách xa mọi công trình hiện có”.
Trong một đề xuất khác đang được cân nhắc, Israel sẽ thu hút dân thường rời Rafah bằng cách chuyển viện trợ qua cửa khẩu Erez hiện đã bị đóng cửa và cho phép các gia đình trở lại phía Bắc Gaza, khu vực đã bị tàn phá sau nhiều tháng không kích và giao tranh trên bộ. Ước tính hơn 100.000 người dân vẫn bám trụ Bắc Gaza, trong khi nhiều người đã di dời về phía Nam vùng lãnh thổ này cũng mong muốn trở về phía Bắc.
Truyền thông Ai Cập đưa tin, quân đội quốc gia này đã củng bố biên giới bằng xe bọc thép và xe tăng, sau khi Thủ tướng Netanyahu đề cập đến ý định giành kiểm soát cửa khẩu Rafah hồi tháng 12 năm ngoái.
Các quan chức Ai Cập cảnh báo, bất kỳ động thái nào của Israel nhằm vào Hành lang Philadelphi - vùng đất trải dài từ cực Nam Gaza đến biển Địa Trung Hải - sẽ đe dọa hiệp ước hòa bình Ai Cập -Israel năm 1979 vốn đóng vai trò như nền tảng cho sự ổn định khu vực.
Ai Cập lo ngại làn sóng người Palestine di dời sẽ gây bất ổn ở phía Bắc Sinai, khu vực quân sự đầy nhạy cảm. Cairo cũng phản đối việc di dời người Palestine tới Sinai vì lý do chính trị mà theo nhận định của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi sẽ là một cuộc di cư vĩnh viễn khỏi Dải Gaza.
Times of Israel thông tin, Tổng thống Joe Biden ngày 16-2 cảnh báo Israel không nên tiến hành chiến dịch ở Rafah trong khi các cuộc đàm phán về con tin đang diễn ra. Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố phải có lệnh ngừng bắn tạm thời trước khi có thể tiến hành giải thoát số con tin còn lại.
Mỹ đưa ra cảnh báo về tình hình tại Rafah khi Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) William Burns đến Israel 1 ngày trước đó để thảo luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra với các nhà lãnh đạo Israel.
Các vấn đề kể trên đều được đề cập trong cuộc gặp ngày 16-2 giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Isaac Herzog bên lề Hội nghị An ninh Munich.
Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: “Phó Tổng thống nhắc lại sự ủng hộ kiên định đối với Israel và quyền tự vệ của quốc gia này trước các mối đe dọa từ Hamas”.
Hai nhà lãnh đạo cấp cao cũng đã thảo luận về những nỗ lực đang diễn ra nhằm bảo đảm sự tự do của các con tin vẫn bị Hamas bắt giữ và đạt được thỏa thuận tạm dừng giao tranh.
“Phó Tổng thống cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường, tăng cường hỗ trợ nhân đạo và những cơ chế giảm xung đột thích hợp để bảo đảm viện trợ có thể đến tay những người cần giúp đỡ ở Gaza”, tuyên bố cho biết thêm.