Cuộc đua phát triển nền kinh tế hydro: Nhiều bước tiến mới
Tiềm năng to lớn của năng lượng hydro khiến nhiều quốc gia và khu vực ráo riết chạy đua hiện thực hóa công nghệ mới này.
Kỳ vọng không chỉ đặt ở các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn cả về khả năng tự chủ năng lượng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15-2 (giờ Brussels) đã phê duyệt khoản viện trợ trị giá 6,9 tỷ euro (tương đương 7,4 tỷ USD) cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy việc cung cấp hydro xanh (hydro sản xuất từ điện “sạch”, khác với hydro "xám" sản xuất từ điện có nguồn gốc năng lượng hóa thạch). Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) Margrethe Vestager kỳ vọng, gói viện trợ này sẽ thiết lập các cụm cơ sở hạ tầng đầu tiên ở một số quốc gia thành viên và chuẩn bị nền tảng cho các kết nối xuyên châu Âu trong tương lai, phù hợp với Chiến lược Hydro của EU.
Đây là dự án thứ ba nhằm phát triển năng lượng hydro của EU, do 7 quốc gia gồm Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia cung cấp kinh phí. Dự án còn thu hút được thêm 5,4 tỷ euro từ đầu tư tư nhân, gồm 32 công ty tham gia vào 33 dự án nhỏ. Bên cạnh việc triển khai các thiết bị điện phân quy mô lớn để sản xuất hydro xanh và hệ thống đường ống vận chuyển, khoản viện trợ mới của EU sẽ hỗ trợ phát triển các cơ sở lưu trữ hydro quy mô lớn và xây dựng các bến cảng cho tàu chở hydro dạng lỏng. Như vậy, EU đã phân bổ nguồn ngân sách khổng lồ cho việc sản xuất, vận chuyển hydro cả trong và ngoài các quốc gia thành viên.
Những bước tiến mới này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Lục địa già đặt năng lượng hydro trong mục tiêu dài hạn đầy tham vọng. Khối này dự kiến nhu cầu hydro hằng năm sẽ vào khoảng 20 triệu tấn, trong đó lượng tự sản xuất vào khoảng 10 triệu tấn. Lượng còn lại trước mắt EU nhằm tới nhập khẩu từ Ai Cập hay Mozambique. Để có thể sớm đưa nền kinh tế hydro vào vận hành bền vững, EU đã thành lập Ngân hàng hydro châu Âu từ cuối năm 2023.
Dĩ nhiên, châu Âu không phải khu vực duy nhất quan tâm tới năng lượng hydro. Hiện nay, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đều dốc sức trên đường đua nhằm sớm thương mại hóa nguồn năng lượng mới này. Trong đó, Nhật Bản được đánh giá là đang dẫn đầu việc “hydro hóa” nền kinh tế, với cam kết chi hơn 100 tỷ USD trong vòng 15 năm để bảo đảm nguồn cung. Đến năm 2030, Tokyo ước tính nhu cầu tiêu thụ hydro trong nước vào khoảng 3 triệu tấn/năm, và sẽ tăng lên 12 triệu tấn/năm vào năm 2040. Mỹ cũng đã chi hàng tỷ USD để xây dựng các trung tâm hydro xanh trên toàn quốc. Còn tại Trung Quốc, nhà máy Sinopec ở Tân Cương sử dụng điện mặt trời có thể sản xuất 10.000 tấn hydro/năm trong giai đoạn đầu và sẽ tăng dần lên 20.000 tấn hydro/năm.
Ai Cập hay những quốc gia giàu dầu mỏ tại Vịnh Ba Tư cũng đầu tư mạnh tay vào các dự án nghiên cứu và phát triển, với mong muốn dẫn đầu thị trường hydro xanh, khu vực được hãng kiểm toán Deloitte dự báo sẽ đạt giá trị khoảng 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Bên cạnh giá trị kinh tế, năng lượng hydro sẽ bảo đảm khả năng các cường quốc dầu mỏ và khí đốt đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Saudi Arabia đang xây dựng cơ sở sản xuất hydro xanh lớn nhất thế giới tại siêu thành phố NEOM trong tương lai với chi phí dự kiến là 500 tỷ USD. Sáng kiến này được mong đợi sẽ giúp Saudi Arabia nổi bật về chuyển đổi năng lượng sạch.
Theo Công ty Phân tích PwC, Trung Đông và châu Phi có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất hydro xanh do sự phong phú của năng lượng mặt trời chi phí thấp. Ngoài ra, đất đai rộng và cơ sở hạ tầng sẵn có là bổ trợ quan trọng cho những lợi thế tự nhiên. Năm 2024, Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất 5,8 triệu tấn hydro, trong đó có 3,8 triệu tấn xuất khẩu (tương đương 5% thị trường hydro xanh toàn cầu).
Sự quan tâm đặc biệt dành cho hydro ở khắp nơi trên thế giới là điều dễ hiểu, bởi đây là nguồn năng lượng mà nhiều khu vực có thể tự chủ hoàn toàn. Đặc tính này có được là bởi điện gió, điện mặt trời, thủy triều đều có thể được sử dụng để điện phân nước, tạo thành hydro tích trữ phục vụ sản xuất năng lượng về lâu dài. Năng lượng hydro có thể sử dụng trực tiếp (đốt cháy) hoặc gián tiếp, trong cả công nghiệp lẫn dân dụng, lại không gây ô nhiễm; nguyên liệu dồi dào và sạch, dễ tích trữ, dễ chuyển đổi sang các dạng năng lượng khác khi cần.
Với những điểm ưu việt trên, dù còn nhiều rào cản, nhưng chắc chắn các nỗ lực hướng nền kinh tế sử dụng năng lượng hydro tới đây sẽ tiếp tục được mở rộng khắp thế giới.