Sức khỏe

Thải độc cơ thể, xua tan mệt mỏi sau Tết

Thu Trang 17/02/2024 - 06:43

Vì những ngày Tết thường xuyên “nạp” các món ăn nhiều dầu mỡ, độ đạm cao, lạm dụng rượu bia, chất kích thích cùng với việc sinh hoạt không điều độ nên nhiều người gặp phải tình trạng uể oải.

Vậy, làm thế nào để lấy lại tinh thần, xua tan mệt mỏi, hào hứng quay trở lại với guồng công việc sau Tết?

thai-doc.jpg
Tập thể dục, thể thao là một biện pháp giúp giảm mệt mỏi sau Tết. Ảnh: Đỗ Tâm

“Hội chứng hậu nghỉ Tết”

Sáng mùng 6 Tết, ngày đầu tiên trở lại Hà Nội đi làm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng chị Nguyễn Thị Hường (45 tuổi, quê ở Bắc Giang) chưa thể bắt nhịp với công việc. Chị Hường kể: “Tết năm nào cũng vậy, hết “ăn Tết” ở Bắc Giang nhà ngoại rồi lại về Hưng Yên quê chồng. Do di chuyển nhiều lại tiệc tùng triền miên nên khi trở lại thành phố và đến công ty vào ngày đầu năm mới, thân thể tôi luôn cảm thấy mệt mỏi và đầu óc thì trống rỗng”.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người vào những ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết. Anh Nguyễn Ngọc Hải (30 tuổi, quê ở Hải Phòng, là phiên dịch viên làm việc tại Hà Nội) chia sẻ: “Suốt 7 ngày nghỉ Tết, ngày nào tôi cũng tụ tập ăn uống với bạn bè hoặc họ hàng. Do ăn uống nhiều trong dịp Tết nên đến lúc bước vào những ngày làm việc tôi có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và tâm trí chưa thể bắt nhịp trở lại với công việc”.

Đề cập đến những vấn đề về sức khỏe mà nhiều người gặp phải sau Tết, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm ô xy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, những ngày Tết, do ăn mặn với quá nhiều thịt và thực phẩm chế biến sẵn, dùng nhiều rượu, bia, cà phê nhưng lại uống ít nước, ăn ít rau, củ khiến cơ thể mất nước. Hậu quả là sau Tết, nhiều người gặp phải tình trạng da khô, môi khô, người mệt, nhịp tim nhanh... Thêm vào đó, do ăn quá nhiều, uống quá nhiều đồ uống có cồn khiến gan làm việc quá sức, gây suy giảm chức năng gan, dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, uể oải, men gan tăng cao, có thể vàng da...

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Tết cũng là khoảng thời gian đồng hồ sinh học bị đảo lộn, ăn uống không đúng bữa, ngủ ít hoặc nhiều hơn bình thường, cơ thể được “nuông chiều” cũng dần sinh ra cảm giác “lười biếng”. Do đó, khi phải kết thúc kỳ nghỉ để bắt đầu lại guồng quay của công việc, nhiều người cảm thấy hụt hẫng, luyến tiếc. Đây cũng được coi là “Hội chứng hậu nghỉ Tết” với biểu hiện đặc trưng là cảm giác mệt mỏi, chậm chạp, khó tập trung làm việc. Cùng với đó, nhiều người cũng dễ bị phân tâm, lãng phí thời gian vào những dư âm của Tết trên các trang mạng xã hội như: Khoe lì xì, khoe đi du xuân… nên chưa có tinh thần bắt tay vào công việc.

“Chìa khóa” giúp cơ thể lấy lại cân bằng

Để giúp thanh lọc cơ thể, xua tan mệt mỏi trong những ngày đầu năm mới, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng đưa ra các biện pháp phục hồi, bảo đảm sức khỏe. Cụ thể là hạn chế rượu, bia, thuốc lá, cà phê; ăn nhiều rau, hạn chế thịt và đồ chế biến sẵn, nhất là không nên ăn lại thực phẩm cũ. Mọi người cũng nên lưu ý giữ ấm cơ thể, không bỏ bữa nhưng cũng không nên ăn no quá, chỉ ăn nhạt, uống đủ nước và ngủ đủ giấc; vận động nhẹ nhàng, ngày 2 lần, mỗi lần 20-30 phút.

Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, mọi người cần uống đủ 2 lít nước/ngày để thanh lọc cơ thể. Bởi vì nước mang lại nhiều lợi ích như giúp các khớp hoạt động tốt hơn, tim khỏe mạnh và da căng mịn. Ngoài nước lọc, người dân có thể sử dụng nước chanh, trà xanh hoặc nước dừa. Những loại nước này không chỉ giúp khôi phục sự cân bằng của cơ thể mà còn tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm lượng cholesterol xấu, thải độc hiệu quả và hỗ trợ tiêu hóa.

Giải pháp tiếp theo được Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Chí Cương đưa ra là bổ sung thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh và trái cây. Việc bổ sung lượng chất xơ thiếu hụt sau những bữa ăn dư thừa đạm ngày Tết là “chìa khóa” quan trọng giúp cơ thể nhanh chóng lấy lại cân bằng. Chất xơ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và giúp tăng nhu động ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa của cơ thể. Thêm nữa, mọi người nên tăng cường ăn thêm thực phẩm giàu gia vị. Một số thực phẩm giàu gia vị tự nhiên giúp tăng cường chuyển hóa, tốt cho hệ tiêu hóa và giảm mỡ máu như: Hành, nghệ, mùi tây, húng quế, gừng, tỏi, rau mùi, hoa hồi, quế, lá bạc hà…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, để cải thiện tình trạng nạp quá nhiều thực phẩm giàu đạm trong ngày Tết, người dân nên thay thế thịt bò, thịt gà bằng cá, tôm, cua… Những thực phẩm này vẫn giúp bổ sung đủ đạm, canxi cho cơ thể nhưng không chứa quá nhiều calo và chất béo xấu.

Cùng với đó, các loại ngũ cốc như: Gạo lứt, lúa mạch, yến mạch… được xếp vào nhóm thực phẩm chứa chất béo không bão hòa tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất thiết yếu và giúp cải thiện độc tố hiệu quả. Ngoài ra, các loại đậu (đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ…) và ngũ cốc nguyên hạt chứa đầy đủ các loại axit amin cần thiết, là nguồn cung cấp protein thay thế tạm thời cho protein từ động vật.

Để khởi động một năm mới thuận lợi, suôn sẻ, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, người dân nên kết hợp các phương pháp tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với thể trạng như đi bộ, đạp xe, yoga, aerobic… giúp thư giãn cơ bắp, thanh lọc cơ thể bằng việc ra nhiều mồ hôi, đồng thời để hỗ trợ giải phóng năng lượng, kiểm soát cân nặng hiệu quả. Đặc biệt, người dân đừng quên “làm sạch” gian bếp, loại bỏ các loại thực phẩm tồn dư trong dịp Tết, bởi đa phần chúng chứa nhiều chất béo có hại và được tích trữ dài ngày, không tốt cho sức khỏe.