Đời sống

Những loại thực phẩm nào không nên bảo quản trong tủ lạnh?

Theo vietnamplus.vn 16/02/2024 - 16:58

Bảo quản thực phẩm đúng cách là một yếu tố quan trọng nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng nên được bảo quản trong tủ lạnh, do nhiệt độ đông lạnh có thể làm giảm chất lượng, hương vị của chúng.

(Nguồn: Getty images)
(Nguồn: Getty images)

Bảo quản thực phẩm đúng cách là một yếu tố quan trọng để tăng thời hạn sử dụng của chúng và duy trì chất lượng.

Tủ lạnh thực sự là một công cụ để bảo quản thực phẩm càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, không phải loại thực phẩm nào cũng nên được bảo quản trong tủ lạnh do nhiệt độ đông lạnh có thể làm giảm chất lượng, hương vị hoặc thay đổi kết cấu và màu sắc của chúng.

Một số loại thực phẩm dưới đây bạn cần lưu ý không nên bảo quản trong tủ lạnh.

1. Khoai tây

Khi bảo quản khoai tây ở nhiệt độ lạnh, khí lạnh có thể phá vỡ tinh bột và biến chúng thành đường. Bạn sẽ không nhận được bất kỳ chất dinh dưỡng nào từ khoai tây, ngược lại càng ăn càng béo và có nguy cơ tăng đường huyết.

Biện pháp tốt nhất là bạn nên bảo quản khoai tây ở chỗ tối, thoáng mát và khô ráo. Cần tránh ánh sáng trực tiếp vì có khả năng sẽ làm khoai chuyển sang màu xanh, bị héo và mọc mầm.

Trong trường hợp khoai tây mọc mầm, bạn nên vứt đi không nên dùng vì khoai tây mọc mầm có khả năng gây ngộ độc.

khoai tay.jpg
(Nguồn: Getty images)

2. Hành tây

Hành tây sẽ bị mốc và thối nhanh hơn trong tủ lạnh. Tốt nhất là bảo quản hành tây ở nhiệt độ phòng, nhưng tránh ánh nắng trực tiếp.

Ngoài ra, hành tây có mùi rất hăng, có thể lây lan trong môi trường kín như tủ lạnh, làm cho toàn bộ thực phẩm khác đều bị nhiễm mùi.

hanh tay.jpg
(Nguồn: Getty images)

3. Tỏi

Tỏi có xu hướng mất hương vị khi được lưu trữ trong tủ lạnh. Để duy trì hương vị cay nồng đó, bạn nên giữ nó trong một thùng chứa khô và mát.

toi.jpg
(Nguồn: Getty images)

4. Chuối

Nhiệt độ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của chuối. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá lạnh, nó có thể khiến chuối bị mềm nhũn và ăn có vị hơi cay khi chín. Do vậy, chuối xanh cần được giữ ở nhiệt độ phòng.

Nếu chuối đã chín mà bạn không ăn kịp, bạn có thể bảo quản chúng trong ngăn lạnh. Khi đó vỏ chuối sẽ tiếp tục chuyển sang màu nâu, nhưng trái cây vẫn rất hoàn hảo.

chuoi.jpg
(Nguồn: Getty images)

5. Táo

Bạn có thể làm lạnh táo nếu bạn thích chúng lạnh, nhưng không cần thiết. Trong thực tế, nhiệt độ lạnh có thể phá vỡ độ giòn của chúng.

tao.jpg
(Nguồn: Getty images)

6. Cà chua

Cà chua bảo quản ở môi trường tự nhiên có hương vị thơm ngon hơn để trong tủ lạnh. Việc để cà chua ở nhiệt độ dưới 12 độ C sẽ ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng của loại quả này.

Nhiệt độ lạnh làm thay đổi kết cấu tự nhiên, cản trở việc sản sinh ra các hợp chất dễ bay hơi có trong cà chua. 65% các hợp chất này sẽ biến mất nếu để trong tủ lạnh.

Nếu cà chua của bạn chưa chín, hãy đặt chúng trên bệ cửa sổ đầy nắng. Nếu chúng bắt đầu quá chín, tốt nhất là nấu chúng, sau đó chúng có thể được lưu trữ trong tủ lạnh.

ca chua.jpg
(Nguồn: Getty images)

7. Cà tím

Loại quả này không thể chịu được nhiệt độ thấp. Trong tủ lạnh, cà tím mềm và mất chất rất nhanh. Tốt nhất, bạn nên để cà tím ở nhiệt độ phòng (25 độ C) và tránh ánh nắng trực tiếp.

ca tim.jpg
(Nguồn: Getty images)

8. Trái bơ

Tuyệt đối không nên cho các quả bơ vẫn còn sống vào tủ lạnh. Nếu được làm lạnh quá sớm, quả bơ sẽ dễ gặp phải tình trạng bị sượng và không thể ăn được nữa.

Nếu bạn không vội vàng để thưởng thức bơ ngay hoặc không ngại thời gian chờ đợi lâu, bạn chỉ cần bảo quản bơ tại những nơi tối và mát mẻ, có nhiệt độ lý tưởng là 24 độ C để bơ chín từ từ.

Quá trình bảo quản bơ sống thành chín này sẽ mất từ 2-3 ngày khi bạn cho bơ vào túi giấy. Còn nếu không có túi giấy, sẽ mất từ 3-5 ngày cho bơ chín hoàn toàn.

trai bo.jpg
(Nguồn: Getty images)

9. Dưa chuột

Dưa chuột thích hợp để bảo quản trong môi trường từ 10 đến 12 độ C. Nhiệt độ thấp trung bình 4 độ C trong tủ lạnh sẽ khiến dưa chuột bị đông cứng, mất đi hương vị và độ giòn vốn có. Bạn nên bảo quản chúng ở nơi khô mát.

dua chuot.jpg
(Nguồn: Getty images)

10. Ớt xanh

Ớt xanh thích hợp bảo quản ở môi trường từ 7-8 độ C. Tuy nhiên, nếu thời gian làm lạnh càng lâu, ớt xanh để trong tủ lạnh càng dễ bị nhũn, chuyển sang màu đen và mềm.

Do đó, loại thực phẩm này không thích hợp để bảo quản lâu dài trong tủ lạnh. Hãy chế biến và ăn càng sớm càng tốt.

ot xanh.jpg
(Nguồn: Getty images)

11. Các loại nước sốt cay

Nhiều người tin rằng với các loại nước sốt cay nên được bảo quản trong tủ lạnh để giữ được hương vị tươi ngon. Tuy nhiên, các loại nước sốt cay vốn đã có các thành phần như ớt, giấm, đường, muối,... đều là những chất bảo quản tuyệt vời.

Thêm vào đó, ở nhiệt độ phòng sức nóng của ớt càng mạnh và khả năng tiêu diệt các vi sinh vật, nấm mốc càng cao.

nuoc sot cay.jpg
(Nguồn: Getty images)

12. Càphê

Bạn đừng bao giờ để càphê trong tủ lạnh bởi nó có thể lấy đi hương vị của những loại thực phẩm khác, đồng thời cũng mất đi mùi vị đặc trưng.

Thay vào đó, bạn nên bảo quản càphê trong hộp kín ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.

ca phe.JPG
(Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

13. Mật ong

Mật ong sẽ kết tinh khi bảo quản trong tủ lạnh. Nó có thể giữ được trong một thời gian dài miễn là nó được lưu trữ ở nhiệt độ phòng. Nó là loại thực phẩm duy nhất không bị hỏng và không cần phải lưu trữ trong tủ lạnh.

mat ong.jpg
(Nguồn: Getty images)

14. Bánh mỳ

Bánh mỳ tương đối dễ hỏng. Một số người đặt nó trong tủ lạnh để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và nó giúp ích theo nghĩa đó.

Trong mọi trường hợp, để bánh mỳ vào tủ lạnh đều là sai lầm. Những lát bánh mỳ (hoặc bánh mỳ nướng các loại) sẽ hút không khí lạnh trong tủ, hoặc sẽ bị ỉu và thay đổi mùi vị, hoặc sẽ bị khô, cứng lại.

Bánh mỳ được lưu trữ tốt nhất trong ngăn kéo bánh mỳ hoặc trong phòng đựng thức ăn. Nếu bạn cần kéo dài tuổi thọ của nó, bạn nên cất vào ngăn đá.

banh my.jpg
(Nguồn: Getty images)

15. Rượu

Rượu nói chung và rượu vang nói riêng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì nhiệt độ, độ ẩm không ổn định của tủ lạnh sẽ khiến chất lượng của rượu vang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hương thơm, mùi vị và màu sắc của rượu sẽ bị thay đổi nếu bảo quản ở tủ lạnh trong thời gian dài.

Nếu bạn muốn bảo quản rượu, nên đầu tư tủ đựng rượu để có thể mang điều kiện bảo quản tốt nhất cho loại thức uống này.

ruou vang.jpg
(Nguồn: Getty images)

16. Dầu ôliu

Dầu ôliu nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng Mặt Trời trực tiếp. Không nên để dầu ôliu vào tủ lạnh, vì nhiệt độ thấp dẫn đến sự hình thành các mảnh màu trắng trong dầu, vốn là nước ngưng tụ.

dau o liu.jpg
(Nguồn: Getty images)

17. Thuốc bắc

Bạn không nên bảo quản thuốc bắc trong tủ lạnh vì độ ẩm của môi trường tủ lạnh có thể ảnh hưởng đến tính chất của thuốc, dễ sinh vi khuẩn khi trộn lẫn với các thực phẩm khác.

Nếu muốn bảo quản thuốc bắc được lâu, tốt nhất bạn nên cho vào lọ thủy tinh sạch, đậy kín và để nơi thoáng mát./.

thuoc bac.jpg
(Nguồn: Getty images)