Văn hóa

Lễ hội Gióng đền Sóc không có cảnh tranh cướp lộc

Bài, ảnh: Tuyết Minh 15/02/2024 - 14:25

Sáng 15-2 (mùng 6 tháng Giêng), tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã diễn ra Lễ hội Gióng.

15-le-ruoc-tuong2.jpg
Các bô lão làm lễ.

Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024 diễn ra từ ngày 15 đến 17-2 (tức mùng 6-8 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với nhiều nghi lễ tín ngưỡng độc đáo, mang đậm màu sắc văn hóa cổ truyền dân tộc, trong đó điểm nhấn là nghi thức rước kiệu truyền thống, với: Giò hoa tre, ông ngựa, ông voi, ngà voi, trầu cau, cầu húc, cỏ voi và nữ tướng vào đền Thượng tế lễ.

Theo nghi lễ truyền thống, đúng 7h, lễ vật được các thôn, làng trên địa bàn bắt đầu rước vào đền. Dưới sự điều hành của chủ tế, 8 xã lần lượt cung tiến lễ vật: Giò hoa tre của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), ngựa sắt của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), trầu cau của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), ngà voi của xã Đức Hòa, cỏ voi của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), kiệu tướng của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) và cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

15-le-ruoc3.jpg
Lễ rước voi chiến của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược).

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, điểm mới của Lễ hội Gióng đền Sóc năm nay là công tác tổ chức được chuẩn bị kỹ càng. Phần lễ được bảo đảm duy trì theo đúng nghi lễ thực hành đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phần hội năm nay có sự tham gia của nhiều tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân các địa phương. Ngoài hoạt động thi đấu thể dục thể thao (vật, bóng chuyền hơi), sẽ có các trò chơi dân gian truyền thống được tổ chức như: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng và đặc biệt là hội thi nấu cơm. …

Năm nay, trò chơi nghi lễ Kéo Mỏ tiếp tục được tái hiện trong lễ hội. Ngoài ra, người dân và du khách còn được xem cuộc thi Cầu Húc và các chương trình nghệ thuật đặc sắc được lên kịch bản, biểu diễn bởi các tổ chức hội (phụ nữ, nông dân), đoàn thanh niên và nhân dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh (thôn Thanh Huệ, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) cho biết: "Đây là ngôi đền thờ Đức Thánh Tản Viên rất linh thiêng. Lễ hội có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, truyền thống võ công của dân tộc. Ngày hội cũng là dịp để người dân khắp nơi bày tỏ lòng thành kính với Thánh Gióng - một trong bốn vị “Tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam. Vì vậy năm nào tôi cũng đi dự cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình và mọi người".

Cùng hòa vào dòng người về dâng hương tại khu di tích, bà Tạ Thị Bắc (thôn Thái Đường, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) cho hay, “Không gian cảnh quan, môi trường trong khu di tích được chỉnh trang đẹp mắt. Công tác vệ sinh đền, chùa cho các nghi thức tâm linh được chú trọng. Ngoài nơi thờ tự, Ban tổ chức còn bố trí rất nhiều khu vực vui chơi, các hoạt động giải trí, trải nghiệm văn hóa dân gian…, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân đi hội".

15-viet-so.jpg
Phần hội mang đậm tính dân gian truyền thống mang lại không khí lễ hội thanh lịch, văn minh.

Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn, văn minh lễ hội, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, để có được kết quả này, Ban tổ chức chuẩn bị không gian đủ rộng để các thôn, xã thực hiện các nghi lễ, nhịp nhàng không lộn xộn. Bên cạnh đó, Ban tổ chức bố trí điểm tán lộc tại cung cấm đền Thượng, tạo điều kiện cho du khách xin cành hoa tre, lộc trầu cau… không có chuyện tranh cướp lộc, tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thản. Chính vì vậy hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn minh.