Giáo dục

Trải nghiệm ý nghĩa ngoài trang sách

Thống Nhất 15/02/2024 - 06:45

Thay vì giao bài tập dịp Tết hoặc các giờ học theo thông lệ, trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học trên địa bàn thành phố tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử... Những hoạt động ý nghĩa này đã mang đến nhiều bài học mới mẻ, bổ ích bên ngoài trang sách, qua đó giúp các em thêm trân quý cuộc sống, có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

hoc-sinh.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam giao lưu với các nhân vật trong Câu lạc bộ Anh hùng và nhân chứng lịch sử.

Những trải nghiệm bổ ích

Giờ Chào cờ sáng 5-2, thứ hai cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, hàng nghìn học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam háo hức tham gia chương trình giao lưu với các bác bộ đội trong Câu lạc bộ Anh hùng và nhân chứng lịch sử. Dịp này, học sinh nhà trường cũng được tham quan triển lãm ảnh, xem phim tài liệu về các giai đoạn lịch sử của đất nước.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương cho biết, thay vì giao bài tập trước kỳ nghỉ Tết, nhà trường hướng đến giáo dục, định hướng học sinh yêu thích việc học, từ đó có ý thức tự giác học tập.

Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) vừa tổ chức “Hội chợ Tết nhân ái năm 2024” với các hoạt động trải nghiệm làm bánh chưng, nặn tò he, xin chữ, viết câu đối… Dịp này, giáo viên và phụ huynh, học sinh nhà trường còn ủng hộ gây quỹ giúp học sinh vùng khó khăn. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An Trần Thị Bích Liên, hoạt động này giúp học sinh hiểu thêm về truyền thống văn hóa người Việt, đồng thời giáo dục lòng nhân ái cho học sinh, để các em biết chia sẻ với bạn bè còn thiếu may mắn.

Một sự kiện đáng chú ý khác, đầu tháng 11-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với một số đơn vị, địa phương về việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan học tập ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố. Bằng việc ký thỏa thuận hợp tác, các cơ quan quản lý tiếp tục khẳng định trách nhiệm trong công tác giáo dục học sinh phát triển toàn diện.

Việc đa dạng hóa hình thức tổ chức bài học, các giờ học theo phương pháp truyền thống thay bằng các bài học trải nghiệm bên ngoài phòng học đã đem đến hiệu quả tích cực và bền vững trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Bà Nguyễn Minh Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Không ít học sinh còn chưa biết rõ, thậm chí chưa một lần đặt chân đến các di tích lịch sử văn hóa ở Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò… Do vậy, tôi rất ủng hộ việc đưa học sinh đến những địa điểm di tích lịch sử văn hóa để tham quan, học tập. Cách thức này tăng hiệu quả giáo dục, giúp các con hiểu thêm về lịch sử, truyền thống của Thủ đô, dân tộc ta, từ đó thêm yêu nơi mình sống, có trách nhiệm hơn với người xung quanh”.

Cần khuyến khích và mở rộng

Năm học 2023-2024, lần đầu tiên ngành Giáo dục Hà Nội có kế hoạch và chỉ đạo tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đưa trò chơi dân gian vào nhà trường với hình thức phù hợp theo độ tuổi học sinh.

Ghi nhận tại Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giờ ra chơi, các học sinh lập nhóm để chơi nhảy dây, chơi chuyền, ô ăn quan… Em Trần Quốc Bảo, học sinh lớp 9A4 cho biết: "Em và các bạn được thầy, cô giáo hướng dẫn nhiều trò chơi mới và hấp dẫn. Chúng em rất háo hức chờ đến giờ ra chơi và bớt dần thói quen chơi trò chơi điện tử trên điện thoại".

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương Nguyễn Thị Vân Hồng cho hay, bên cạnh việc hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian, nhà trường cũng từng bước tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành một số nghề truyền thống như làm hương, làm gốm, làm kẹo… Việc này giúp các em hiểu thêm về các ngành nghề truyền thống, dần hình thành cho học sinh kỹ năng, kiến thức về nghề nghiệp.

Bà Lê Quỳnh Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cho rằng, hiện nay, ngày càng có nhiều con trẻ thích xem ti vi, sử dụng điện thoại, máy tính, vì vậy, việc tổ chức, lôi cuốn trẻ vào các trò chơi dân gian để rời xa các thiết bị điện tử là rất cần thiết. Trò chơi dân gian có ưu điểm là dễ phổ biến, con trẻ dễ học theo, có thể chơi bất cứ lúc nào khi ở nhà, ở trường hay trong các ngõ xóm…, vì thế nên cần được khuyến khích và mở rộng hơn nữa.

Với học sinh vùng nông thôn, các trò chơi dân gian không quá xa lạ, nhưng để đưa trò chơi dân gian trở thành thói quen và lôi cuốn các em trong mỗi giờ ra chơi cũng cần sự nỗ lực lớn.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp chia sẻ, trong thời gian qua, từ sự ủng hộ của phụ huynh, giáo viên của nhà trường tích cực hướng dẫn và cùng học sinh trải nghiệm những trò chơi mới. Thực tế cho thấy chưa phải học sinh nào cũng hào hứng ngay, vì thế cần triển khai dần dần, có sự đồng hành của phụ huynh học sinh để vừa tuyên truyền giúp học sinh hiểu ý nghĩa văn hóa và những kỹ năng mà các em có thể rèn luyện qua từng trò chơi, vừa từng bước lôi cuốn các em tham gia một cách bền vững.