Những điểm mới nổi bật về bảo hiểm thất nghiệp áp dụng từ ngày 15-2-2024
Từ ngày 15-2-2024, quy định về bảo hiểm thất nghiệp có nhiều thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng.
Theo Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Việc làm, có hiệu lực từ ngày 15-2-2024, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có một số điểm mới nổi bật.
Người lao động tại đơn vị không có người đại diện vẫn có thể làm thủ tục hưởng BHTN
Nội dung Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH quy định rõ, người lao động tại đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật, hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để hưởng các chế độ BHTN, thì người lao động đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố thực hiện theo quy định. Nói cách khác, với nhóm lao động này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, thành phố sẽ làm thủ tục xác nhận các điều kiện liên quan cho họ.
Được đề nghị hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một địa phương mà đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác, thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động được hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp đã chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó đề nghị và được hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đề nghị hỗ trợ học nghề gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi ban hành quyết định hưởng. Ngoài ra, trung tâm dịch vụ việc làm xác định và gửi 1 bản quyết định về việc hỗ trợ học nghề cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp.
Không cần trực tiếp thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng
Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH bãi bỏ khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, từ ngày 15-2-2024, không còn trường hợp người lao động được miễn thông báo về tình hình tìm kiếm hằng tháng. Thay vào đó, các trường hợp này được bổ sung vào nhóm các trường hợp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm.
Như vậy, người lao động tuy không phải trực tiếp thông báo tình hình tìm kiếm việc làm, nhưng phải thông tin cho trung tâm dịch vụ việc làm (thông qua điện thoại, thư điện tử, fax…) về lý do không phải trực tiếp đến thông báo...
Ngoài ra, quy định mới còn bổ sung thêm trường hợp được bảo lưu BHTN, trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng BHTN...