Y tế

Căng mình giành giật sự sống cho người bệnh

Thu Trang 14/02/2024 - 06:34

Khi mọi người đang quây quần bên gia đình đón năm mới thì tại các bệnh viện, y, bác sĩ đang căng mình giành giật sự sống cho người bệnh.

Với họ, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 ở ngoài khung cửa phòng bệnh, còn bên trong vẫn là không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương của một nghề luôn khắc nghiệt, nhiều áp lực, không được xao nhãng kể cả phút xuân về.

benh-vien-e.jpg
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện E. Ảnh: Xuân Lộc

Thầm lặng cống hiến

Vào thời khắc vừa bước sang năm mới, một ca tai nạn được lực lượng Cảnh sát giao thông đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E. Trước đó, khi chở một phụ nữ đi chúc Tết, xe của người đàn ông đã gặp tai nạn ở ngã tư Hoàng Quốc Việt giao Trần Cung. Người đàn ông nhập viện trong tình trạng gãy xương đòn trái, chấn thương ngực kín trên nền bệnh hen phế quản… Còn người phụ nữ bị chấn thương ở vùng chân trái. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành xử trí kịp thời cho người bệnh.

Ngày Tết, cùng với các ca tai nạn giao thông, Khoa Nội nhi tổng hợp (Bệnh viện E) cũng điều trị cho gần 30 trẻ với nhiều bệnh lý như: Viêm phổi, nhiễm trùng sơ sinh… Chứng kiến sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, bà của bé sơ sinh Đ.Q.N (ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) xúc động cho biết, bé N sinh ra đã mắc bệnh tim bẩm sinh, phải rời xa mẹ và vượt 200km đến Bệnh viện E điều trị. Dù không được đón Tết cùng gia đình nhưng cháu bé đã nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia của các y, bác sĩ nơi đây.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, dù đang kỳ nghỉ Tết nhưng không khí làm việc vẫn rất khẩn trương. Để kịp thời cứu chữa người bệnh, trong 7 ngày Tết, luôn có hơn 600 nhân lực chất lượng cao của bệnh viện ứng trực. Tại các trung tâm, đơn vị xung kích như: Trung tâm Cấp cứu A9, đột quỵ, chống độc, tim mạch..., từ sau thời khắc Giao thừa đã có nhiều bệnh nhân nhập viện. Các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế trong ca trực hoạt động không ngơi nghỉ.

Thống kê sơ bộ, tính đến ngày mùng 1 Tết, Trung tâm Cấp cứu A9 và Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng khi kết thúc kỳ nghỉ Tết vì sự chênh lệch thời tiết ban ngày nắng, ban đêm lạnh cùng những rủi ro tiềm tàng như lạm dụng rượu, bia, tham gia giao thông, người bệnh mãn tính không tuân thủ uống thuốc định kỳ và những nguy cơ bệnh tật khác.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, ngay trong những ngày đầu năm mới đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị viêm tụy cấp, đái tháo đường, tăng men gan… mà nguyên nhân đều do lạm dụng rượu, bia. Điển hình là một nam bệnh nhân (48 tuổi ở Hà Nội) đến khám do những ngày Tết đi tiểu 4-5 lần/đêm, mất ngủ, mệt mỏi. Nam bệnh nhân cho biết, khoảng 3 tháng nay, anh bị giảm 4kg cân nặng và có đi kiểm tra sức khỏe phát hiện tăng đường máu nhưng chưa điều trị. Những ngày đầu xuân, anh liên tục uống rượu, bia với số lượng nhiều. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân mắc đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu và tăng men gan do rượu.

Bảo đảm công tác cấp cứu người bệnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh tính đến sáng 13-2 (tức mùng 4 Tết) là 115.155 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 58.865 bệnh nhân, trong đó 28.842 bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú. Riêng tai nạn do pháo nổ, sau 5 ngày nghỉ Tết, có 583 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại (tăng hơn 52% so với cùng kỳ Tết năm 2023).

Là cơ sở đầu ngành trong cấp cứu ngoại khoa nên cứ mỗi dịp lễ, Tết, cường độ làm việc của các y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thường “căng” hơn ngày thường. Tính từ 30 Tết đến sáng mùng 4 tháng Giêng, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu khoảng 500 bệnh nhân, trong đó có 120 ca tai nạn giao thông và 22 trường hợp bị tai nạn thương tích liên quan đến pháo nổ. Trong số các ca cấp cứu do tai nạn giao thông, có đến một nửa liên quan đến rượu bia. Còn các ca tai nạn do pháo nổ thường nặng, chủ yếu bị thương ở tay, cá biệt có trường hợp phải cắt cụt tay. Điển hình là nam sinh T.Đ.T.A (học sinh lớp 9, ở Nghệ An) vào ngày mùng 2 Tết nhặt được quả pháo tự chế nên mang về nhà đốt. Hậu quả là bệnh nhi nhập viện trong tình trạng dập nát toàn bộ cẳng tay phải.

Để tránh những tai nạn đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý chế tạo thuốc nổ, hay nghịch pháo nổ, gây nguy hại cho bản thân và người xung quanh. Cùng với đó, khi tham gia giao thông, người dân không nên uống rượu bia.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần đến ngay bệnh viện thăm khám. Dù là ngày Tết, công tác khám, cấp cứu vẫn diễn ra như bình thường, người dân không phải lo lắng. Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được tiếp đón, thăm khám và điều trị tận tình.