Chuyển động tích cực của văn hóa đọc
Phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực.
Năm 2023, văn hóa đọc có những chuyển động mạnh mẽ và nhiều điểm sáng, không những đưa tri thức đến cộng đồng mà còn góp phần thúc đẩy thị trường sách sôi động, kích thích ngành Xuất bản phát triển.
Tích cực đưa sách đến cộng đồng
Năm 2023 đánh dấu năm thứ 15 đề án "Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn" do Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện. Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với hơn 14,4 triệu bản in.
Cùng với đó, hơn 500 đầu sách của đề án được cung cấp miễn phí trên trang thuviencoso.vn, phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến. Sách trong đề án đều dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, tiện tra cứu, phù hợp với đối tượng người đọc ở cơ sở và liên tục cập nhật kiến thức mới, bởi vậy, đa số cán bộ, đảng viên và người dân đã tích cực, chủ động khai thác thông tin, tìm hiểu kiến thức dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều địa phương còn có những sáng kiến tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi kể chuyện về bài viết hay, câu chuyện hay trong sách để vận dụng vào lao động, sản xuất, góp phần lan tỏa và phát triển phong trào đọc sách.
Cùng với hoạt động phục vụ bạn đọc tại chỗ ở thư viện, nhà sách, phố sách, năm 2023, Hà Nội triển khai mô hình thí điểm thư viện lưu động tại không gian công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố. Tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) và Vườn hoa Lý Tự Trọng (quận Tây Hồ) vào các ngày cuối tuần, Thư viện Hà Nội đã mang đến hàng nghìn bản sách về kỹ năng sống, bách khoa thư, sách tham khảo, văn học, sức khỏe, nấu ăn… phục vụ độc giả.
Bên cạnh đó, các nhà sách, đơn vị xuất bản cũng phối hợp tổ chức những gian hàng giới thiệu sách mới đến độc giả. Không gian mở, bài trí hấp dẫn, dễ trải nghiệm tìm và đọc sách này đã ngay lập tức thu hút đông đảo các đối tượng tham gia…
Đổi thay ở phố sách, đường sách
Sau 6 năm đi vào hoạt động, năm 2023, Phố sách Hà Nội đã có một sự đổi thay đáng kể không chỉ ở không gian trải nghiệm, đọc sách hiện đại, nhiều tiện ích, mà còn có nhiều hoạt động hấp dẫn. Trong đó, điểm nhấn là việc tổ chức chuỗi sự kiện “Phố sách cuối tuần” vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần với các hoạt động phong phú như giới thiệu sách, ra mắt tác phẩm mới, giao lưu tác giả; chia sẻ, hướng dẫn phương pháp đọc sách hiệu quả; thi tìm hiểu kiến thức; tìm hiểu khoa học; tìm hiểu, thực hành các loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian…
Sau Đường sách thành phố Hồ Chí Minh, cuối tháng 12-2023 vừa qua, thành phố mang tên Bác có thêm một không gian sách nữa là Đường sách thành phố Thủ Đức (thành phố Thủ Đức). Với diện tích khoảng 4.000m2, thiết kế hài hòa với cảnh quan, Đường sách thành phố Thủ Đức có 22 gian hàng hoạt động kinh doanh sách và cà phê sách, cùng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, 3 sân khấu, 2 không gian trưng bày triển lãm và 3 không gian đọc sách miễn phí, trò chơi trí tuệ... Đây không chỉ là một điểm đến thường xuyên cho độc giả mà còn là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu về sách, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường, tương tác khoa học… để thu hút công chúng và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngoài ra, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực xây dựng phố sách, đường sách, không gian đọc sách để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc.
Sách điện tử, sách nói bứt phá
Ở một đất nước mà tỷ lệ người sử dụng internet đạt khoảng 79% dân số, xu hướng sử dụng sách điện tử, sách nói và sách đa phương tiện của người dân ngày càng thịnh hành. Nắm bắt được điều đó, ngành Xuất bản chú trọng đặc biệt đến phát triển sách điện tử, sách nói và tạo được sự bứt phá ngoạn mục.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023, sách điện tử xuất bản đạt 4.600 đầu sách, tăng 31,4% so với năm 2022; đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch). Bên cạnh đó, sách nói tiếp tục phát triển trở thành một thị trường sách mới, với doanh thu trong năm 2023 đạt hơn 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022).
Thời nay, sách trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Người đọc có thể đọc sách, nghe sách mọi lúc, mọi nơi; có thể tiếp cận với những cuốn sách được xuất bản ở nước ngoài ngay lập tức mà không cần phải đặt mua rồi vận chuyển cồng kềnh. Các ứng dụng sách điện tử, sách nói của Việt Nam ngày càng được đầu tư hoàn thiện, với kho sách rộng mở, cập nhật liên tục để độc giả tận hưởng. Điển hình như ứng dụng sách điện tử Waka có đến hơn 13.000 tựa sách đủ thể loại, hình thức; ứng dụng sách nói Voiz FM hiện có trên 3.000 tựa sách nói, hơn 500 podcast, 300 sách tóm tắt nhiều nội dung với hơn 50 thể loại; trên ứng dụng Fonos có hơn 3.000 nội dung độc quyền, gồm sách nói, sách tóm tắt, sách thư giãn, trong đó có 70% tựa sách “best seller” trên thị trường…
Sự bắt tay của truyền thông và xuất bản
Báo chí truyền thông là một trong những kênh quan trọng trong giới thiệu sách, làm cầu nối để bạn đọc có thể lựa chọn những cuốn sách tốt nhất, chất lượng nhất, góp phần nâng cao văn hóa đọc. Trong năm 2023, các cơ quan báo chí và đơn vị xuất bản đã “bắt tay” để thúc đẩy hoạt động truyền thông về sách. Nhiều cơ quan báo chí xây dựng các chuyên mục riêng cho sách; tổ chức các chuyên đề, chương trình giới thiệu sách, giao lưu, trò chuyện về sách hằng ngày, hằng tuần.
Đặc biệt, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, với 4 nội dung: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam; triển khai “Ngày #BookTok” định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop. Song hành với các hoạt động trực tuyến, TikTok cũng tích cực hợp tác với các đơn vị xuất bản ra mắt hạng mục Tủ sách Trending #BookTok đặt tại các cửa hàng trực tiếp và website, góp phần gia tăng doanh số cho các đơn vị phát hành, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho những tác giả mới và đặc biệt lan tỏa sách hay đến độc giả.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên:
“Là người làm công tác xuất bản trong 30 năm, chưa bao giờ tôi thấy văn hóa đọc được sự quan tâm rộng khắp của tất cả các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội như trong năm 2023. Minh chứng là những câu chuyện về việc phát động Ngày hội đọc sách và văn hóa đọc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự đổi mới của Phố sách Hà Nội; đầu tư Đường sách tại thành phố Hồ Chí Minh và các hoạt động khuyến đọc, trao tặng tủ sách, tổ chức giao lưu về sách… diễn ra khắp cả nước. Mặc dù năm 2023 là một năm cực kỳ thách thức, song toàn ngành đã đưa ra thị trường 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản in, có doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng; doanh thu sách điện tử, sách nói vượt chỉ tiêu…
Những dấu ấn đó cho thấy, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự vào cuộc của các cơ quan báo chí truyền thông đã thúc đẩy văn hóa đọc có những bước phát triển quan trọng, thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về văn hóa đọc; thúc đẩy ngành Xuất bản phát triển, đóng góp tích cực cho công nghiệp văn hóa nước nhà”.