Sông Hồng trong ký ức hội họa
Sông Hồng trong tâm thức người Việt được ví như dòng sông Cái, sông Mẹ, tự ngàn xưa đã bồi đắp cả một vùng châu thổ rộng lớn. Như lẽ tự nhiên, sông cũng trở thành niềm cảm hứng lớn, đi vào thơ ca, nhạc, họa..., phản chiếu nơi chốn, văn hóa, cuộc sống của người dân Việt Nam.
Hai bức tranh “Bến thuyền sông Hồng” (khắc gỗ) của họa sĩ An Sơn Đỗ Đức Thuận (1898 - 1970) và “Chợ gạo trên hữu ngạn sông Hồng” (lụa) của Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ (1890 - 1973) - đều được sáng tác năm 1930, là những ví dụ tiêu biểu cho phong cách sáng tác đậm dấu ấn văn hóa Việt.
Họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình Nho học. Ông được học vẽ và tìm hiểu về hội họa truyền thống từ nhỏ một cách bài bản với những người thầy, và sau này lại tự học thêm. Ông cũng là người đồng hành cùng Victor Tardieu thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Sau thời gian sang Pháp học tập tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật quốc gia Paris và Trường Nghệ thuật trang trí quốc gia, Nam Sơn về nước giảng dạy chuyên ngành trang trí từ khóa V đến khóa XVII cùng với số đông giảng viên là giáo sư người Pháp. Bức tranh “Chợ gạo trên hữu ngạn sông Hồng” là một trong những tác phẩm xuất sắc của nền hội họa Việt Nam, được Nam Sơn vẽ bằng mực nho. Bức tranh miêu tả cảnh sông Hồng với những con thuyền đang neo đậu, vẽ trực diện dáng hình một người đàn ông đang ngồi quay mặt nhìn về phía dòng sông, xa xa một chút là người phụ nữ mặc áo tứ thân, đội nón quai thao gánh gạo lên bờ. Ở đây, hình ảnh sông Hồng mang tính gợi mở, trong không gian bao la hiển hiện rõ nét cảnh mưu sinh nơi bến sông.
Họa sĩ An Sơn Đỗ Đức Thuận là sinh viên khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là tác giả hai bức tranh khắc gỗ “Bến thuyền sông Hồng” và “Đánh cá”. Bức “Bến thuyền sông Hồng” miêu tả cảnh thuyền hàng nước mắm từ miền Trung ra, cận cảnh là dòng người gánh thùng nước mắm, cất hàng lên bờ với dáng đi lom khom, từ tốn, tay níu chặt đôi quang gánh. Bức tranh toát lên không khí tấp nập, tươi vui nơi bến sông có nhiều con thuyền xếp hàng neo đậu, xa xa là những ngôi nhà nhỏ cất tạm ven sông và “một nét ngang xa diễn tả bờ gợi lên cái mênh mông của con sông Cái”. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết: Bức tranh “Bến thuyền sông Hồng” được An Sơn Đỗ Đức Thuận vẽ theo lối “đơn tuyến bình đồ”, "kể lể" theo một chiều từ trên xuống dưới với nhiều chi tiết miêu tả đậm đặc không khí buôn bán tấp nập ven sông Hồng. Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung đã thốt lên rằng: “Tranh in gỗ của họa sĩ An Sơn Đỗ Đức Thuận làm ta nhớ đến Hồng Hà tấp nập, nét vẽ gân guốc và bâng khuâng như đã thuộc về lịch sử”.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận định: “Cả hai bức tranh của Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ và An Sơn Đỗ Đức Thuận đều sáng tác vào khoảng năm 1930, 1931, khi hai ông chưa chịu nhiều ảnh hưởng của hội họa phương Tây, hoàn toàn là suy nghĩ về cuộc sống người dân rất đỗi giản dị, đời thường, chưa có bóng dáng thiếu nữ thướt tha, “phấn điểm môi sáp” hay phong cảnh lãng mạn thường thấy trong tranh của các họa sĩ cùng thời. Vì thế, hai tác phẩm này để lại dấu ấn lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, như những bước chân không hối hả trước những cái mới của hội họa”. Bên cạnh đó, cả hai bức tranh đều được thực hiện với chất liệu truyền thống là lụa và khắc gỗ, trong khi cùng thời điểm những năm 1930 - 1931 ấy, đã có nhiều họa sĩ bước vào con đường mới mẻ với sơn dầu và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của khuynh hướng hội họa hiện đại mới du nhập qua sự truyền dạy của các thầy và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Ngoài “Bến thuyền sông Hồng”, họa sĩ An Sơn Đỗ Đức Thuận còn có bức tranh khắc gỗ khác là “Đánh cá”. Tuy vậy, tác phẩm này chỉ còn lại ảnh chụp, bản khắc đã bị mất. Bức tranh miêu tả cảnh dòng sông rộng lớn, con người bé nhỏ mưu sinh nơi bến vắng, nét khắc tỉa tót. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến: “Không tìm đến những đề tài xã hội, những thiếu nữ Hà thành hoa lệ, chỉ với hai bức khắc gỗ nhỏ bé trong không gian tĩnh lặng đã đặt đúng tên tuổi Đỗ Đức Thuận vào hàng ngũ những nghệ sĩ chìm đắm vào kỷ niệm về một Hà Nội đã qua. Riêng “Bến thuyền sông Hồng” là một tranh khắc gỗ theo lối vẽ hiện đại, thoát ly lối khắc của tranh dân gian truyền thống, đã “mở đầu cho dòng tranh khắc hiện đại Việt Nam, mở đầu cho những dòng tâm sự về một hình hài Hà Nội xưa cũ mà sau này biết bao họa sĩ tài hoa khác luôn hướng về Hà Nội để trải lòng mình với những tấm toan, tấm lụa, tấm vóc sơn mài. Bức vẽ đã giữ lại vẹn nguyên hình ảnh con sông quen thuộc để những năm sau, dòng sông Hồng vẫn là hình ảnh đẹp hiện hữu trong hội họa, mà Đỗ Đức Thuận đã một lần cảm nhận, yêu mến và trân trọng trên từng nét khắc tri kỷ của mình”.
Có một điều đáng tiếc là về sau, hầu như không có tác phẩm hội họa nổi bật về dòng sông Hồng. Số tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ dòng sông Hồng không nhiều, hầu như được nhắc đến như một cái cớ, một chi tiết nhỏ. Riêng với hai bức tranh của họa sĩ An Sơn Đỗ Đức Thuận và Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ thì hình ảnh dòng sông được miêu tả cận cảnh hơn, làm nền cho việc tái hiện đời sống giao thương của con người bên dòng sông Cái. Điều đó vừa thể hiện tâm thế sáng tạo, chủ động nghiên cứu và tìm hiểu đời sống sinh hoạt của con người gắn bó với dòng sông. Phải chăng, thời gian sau này, qua thăng trầm của lịch sử, chúng ta đang “bỏ quên” những dòng sông...
Nghệ thuật nương theo lịch sử và nghệ thuật không bao giờ đứng yên. Dòng sông Hồng tự nhiên đi vào sáng tác nghệ thuật một cách dung dị, phản ánh đời sống con người qua những giai đoạn lịch sử. Trong bầu không khí tự do sáng tác, thể hiện cái tôi cá nhân của những năm 1930, hai họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Vạn Thọ và An Sơn Đỗ Đức Thuận vẫn lắng mình với những làng quê, dòng sông và con người lao động vùng châu thổ, góp phần khẳng định giá trị thẩm mỹ mang tính căn cốt trong tâm hồn người nghệ sĩ.