Thế giới

Pakistan: Các đảng tranh cãi về vị trí thủ tướng

Kim Phượng 13/02/2024 - 09:05

Theo AFP, hai đảng chính trị lớn nhất Pakistan đang tranh cãi về việc ai sẽ là thủ tướng sau cuộc bầu cử bất phân thắng bại vào tuần trước.

pakistan.png
Nhân viên kiểm phiếu tại một điểm bỏ phiếu sau khi các phòng phiếu đóng cửa, trong cuộc tổng tuyển cử, ở Lahore, ngày 8-2. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh cãi có thể làm sâu sắc thêm mối lo ngại về sự ổn định của quốc gia đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế cùng sự gia tăng bạo lực của các nhóm phiến quân. Chỉ số cổ phiếu chuẩn của Pakistan đã giảm 3,4% trong phiên giao dịch đầu tuần, ngay sau kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 8-2.

Cựu thủ tướng Imran Khan và Nawaz Sharif đều tuyên bố chiến thắng sau cuộc bỏ phiếu ngày 8-2. Những người ủng hộ cựu thủ tướng đang chịu án tù Imran Khan, đã tham gia tranh cử với tư cách ứng viên độc lập sau khi chính đảng của ông Khan (PTI) bị cấm tham gia tranh cử, giành được tổng cộng 101 ghế tại cơ quan lập pháp có tổng cộng 265 ghế của Pakistan. Tuy nhiên, ông Khan không thể trở thành thủ tướng sau khi ngồi tù và nhóm của ông không thể thành lập chính phủ vì trên danh nghĩa họ hoạt động độc lập.

Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Sharif là đảng lớn nhất được công nhận với 75 ghế và Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Bilawal Bhutto Zardari, con trai của cựu thủ tướng bị ám sát Benazir Bhutto, đứng thứ hai với 54 ghế.

Hai bên đã mở các cuộc đàm phán chính thức vào cuối ngày 11-2 để thành lập chính phủ liên minh, với tuyên bố từ PML-N rằng cuộc gặp “mang tính xây dựng" và "cả hai đều bày tỏ cam kết đặt lợi ích và hạnh phúc của quốc gia lên trên hết". Tuy nhiên, các quan chức của PML-N và PPP cho biết các cuộc đàm phán đang gặp khó khăn về việc nhà lãnh đạo nào sẽ đảm nhận công việc đứng đầu.

Một nhân vật cấp cao của PML-N nói với Reuters: “Cả hai bên đều quan tâm đến việc thành lập một liên minh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bước đột phá nào. Cả hai bên đều muốn giữ chức thủ tướng”. PML-N chưa nêu tên ứng cử viên thủ tướng của mình.

Theo quy định, trong trường hợp không có đảng nào giành được đa số tối thiểu, đảng giành được số ghế lớn nhất trong Quốc hội có thể đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp.