Nông thôn mới

Xuân mới ở nông thôn mới

Nguyễn Mai 13/02/2024 6:22

Xuân mới đang về! Những ngày này, trên khắp các nẻo ngoại thành Hà Nội, người dân bận rộn chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn 2024 trong bầu không khí phấn khởi với sự đổi thay mạnh mẽ nhờ thành quả chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.

xuan-moi-o-nong-thon-moi.jpg
Một góc làng quê xã Phong Vân (huyện Ba Vì).

Ấm áp ngoại thành

Làm việc ở một cơ sở trồng nấm ngay tại địa phương được 7 năm, bà Nguyễn Thị Thơm (thôn La Phẩm 2, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì) không giấu được niềm vui: “Tết này tôi đón tuổi 56. Công việc của tôi là vào bịch, tưới nước, thu hái, phơi khô mộc nhĩ, nấm linh chi. Công việc phù hợp với sức khỏe của tôi, mỗi tháng cho thu nhập 5 triệu đồng”. Bà Thơm chia sẻ, năm nay nhà có con dâu mới, không khí Tết sẽ vui hơn.

Anh Lê Đại Trường, chủ cơ sở trồng nấm thôn La Thượng, xã Tản Hồng cho hay, những năm qua, địa phương xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới nâng cao. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là đường giao thông. Chính vì vậy, xe ô tô chở nguyên liệu (mùn cưa) để làm nấm bon bon vào tận xưởng. Dịp Tết này, gia đình anh Trường đưa ra thị trường khoảng 10 tấn mộc nhĩ, 2 tấn linh chi, chưa kể các sản phẩm nấm sò tươi tiêu thụ hằng ngày. Cơ sở nấm đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Rời Tản Hồng, chúng tôi tới xã Phong Vân, huyện Ba Vì. Đường thôn Tân Hội, Tân Phong 1, Tân Phong 2 và Tân Phong cờ hoa rực rỡ, sạch sẽ, những bức bích họa còn vương mùi sơn mới. Ông Phạm Ngọc Sang, người dân thôn Tân Phong 1 phấn khởi kể: “Con em Phong Vân đi công tác, làm ăn xa, rất nhiều người thành đạt. Như gia đình tôi, cháu đích tôn đi du học, rồi ở lại làm việc bên Nhật Bản. Cháu mới về nước, cưới vợ. Tôi đang mong chờ có chắt nội trong năm mới này...”.

Anh Nguyễn Tiến Hậu, công chức văn hóa - xã hội xã Phong Vân cho biết, thực hiện quy ước làng văn hóa, nhiều năm nay, việc mừng thọ cho người cao tuổi được địa phương tổ chức vào ngày 26 tháng Chạp. Xã tổ chức gặp mặt, tặng quà và trao giấy chứng nhận mừng thọ cho các cụ tuổi từ 70 trở lên. Các gia đình sẽ tổ chức mừng thọ các cụ trong ngày mùng Bốn hoặc mùng Năm tháng Giêng. Năm 2024, cả xã có 124 cụ được “tuổi tròn”; trong đó, cao tuổi nhất là cụ Lê Văn Thích (thôn Tân Phong) và cụ Ngô Thị Hụi (thôn Vân Hội) - 104 tuổi.

Những ngày cuối năm Quý Mão, từ trung tâm Thủ đô Hà Nội ngược theo quốc lộ 6, quốc lộ 32, quốc lộ 21B, đường Võ Nguyên Giáp... về ngoại thành Hà Nội, đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Thủ đô đổi mới”. Càng đi tới những vùng sâu, vùng xa của Thủ đô như Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn..., không khí đón Tết của người dân càng thêm phần đặc biệt.

xuan-moi-o-nong-thon-moi-1.jpg

Sức bật từ nông thôn mới

Có thể thấy, sự đổi thay trong đời sống và diện mạo nông thôn có liên quan rất lớn tới chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Bá Đông, việc xây dựng nông thôn mới của huyện đã về đích sớm hơn mục tiêu đặt ra. Cụ thể, huyện đặt mục tiêu “về đích” huyện nông thôn mới vào năm 2024, nhưng đến hết năm 2022 đã hoàn thành. Mục tiêu là đến năm 2025 có 5 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao cần có, nhưng tới cuối năm 2023 đã có 6 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Tản Hồng.

Là người gắn bó với Chương trình xây dựng nông thôn mới từ những ngày đầu tiên, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới có tác động lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Những ngày đầu, nhiều người còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, giờ đây, người dân đã hiểu trách nhiệm và tham gia bằng nhiều hình thức, như đóng góp tiền, ngày công lao động...

Nguồn vốn đầu tư lớn cùng sự vào cuộc của nhân dân và cả hệ thống chính trị, đến thời điểm hiện nay, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% xã và huyện. Huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức là những đơn vị mới đón niềm vui đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố đang tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, hơn 100 xã đã về đích xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì đã hoàn thành hồ sơ trình các cấp công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả đạt được từ chương trình đã và đang mang lại trái ngọt, tạo đà khởi sắc cho vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Là địa phương dẫn đầu thành phố trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho rằng, kinh tế đã hồi phục sau dịch Covid-19, cộng với kết quả của phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu..., làng quê Đan Phương như được “thay áo mới”. “Đến nay, tỷ lệ lao động cũng như giá trị sản xuất nông nghiệp ở huyện Đan Phượng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế. Con em địa phương học hành thành đạt, có người làm việc tại địa phương, nhiều người làm ăn, học hành ở xa. Xuân tới, con em của làng từ khắp nơi trở về gia đình đoàn tụ, làng quê thêm phần rộn rã” - bà Đào Thị Hồng nói.

Huyện Thanh Trì đang giữ vị trí “số 2” về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Qua đánh giá 8 xã nông thôn mới đợt 1 năm 2023 của huyện, Thanh Trì có xã Duyên Hà và xã Đại Áng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện. Theo Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn, Đại Áng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là vùng quê hiếu học với làng khoa bảng Nguyệt Áng. Xã có nghề làm nón lá Vĩnh Thịnh, nghề may Vĩnh Trung... Năm 2023, địa phương đã được Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch cấp thành phố, mở ra hướng bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa, phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho nhân dân...

Niềm vui từ thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới đã khiến xuân mới thêm ấm áp, tươi vui trong mỗi nếp nhà ở ngoại thành Hà Nội.