“Tăng ca”: "chắc" và "lép"
Giáo dục - Ngày đăng : 08:45, 24/07/2005
Trong một lần gặp gỡ thường kỳ tại tư dinh của cụ Tú Mỡ, nhà thơ trào phúng nổi tiếng, nhà thơ Chế Lan Viên ra vế đối: Chắc tôn ông không bằng lép tôn tôi. Vế đối này, như các cụ nói, là một vế đối “chết”. Mới nghe tưởng ăn chắc, nhưng càng cố đối, càng thấy lép. Chữ chơi ác quá. Nghĩa còn ác hơn - chắc mình chắc lép thiên hạ.
Cái sự dạy và học của ta cũng vậy: Mới nghe tưởng chắc lắm, mà càng xét càng thấy lép với thế giới. “Tôn ông” bao nhiêu rồi mà vẫn lép.
Trước cải cách giáo dục, trẻ con lên 7 mới vào lớp 1 và mất 10 năm để tốt nghiệp phổ thông. Chỉ học sinh nào thật kém mới phải phụ đạo, tức là học thêm. Phụ đạo là điều đáng hổ thẹn. Cho học sinh, cho giáo viên, cho phụ huynh. Phụ đạo không mất tiền. Ngày nay, với cải cách, lớp 1 bắt đầu từ 6 tuổi và chương trình phổ thông kéo dài 12 năm. Học thêm là lệ trường. Học sinh càng học giỏi càng học thêm; bố mẹ càng khá giả con càng học thêm. Nhiều giáo viên, kể cả giáo sư, tiến sĩ, sống sung túc nhờ dạy thêm.
Sinh viên nhiều nước được đào tạo theo tín chỉ. Thi xong một môn có thể nghỉ cả năm, khi trở lại giảng đường học tiếp không phải thi lại môn đó. Bằng tốt nghiệp không vì sự gián đoạn đó mà giảm giá trị. ở ta cái bằng đỏ xuất sắc chắc còn kém một thư tay, một cú điện thoại. Nó lép hơn một cái phong bì.
Bạn tôi thực sự không hài lòng. Con anh cần chuyển trường mà tôi lại cười. Làm gì mà chắc thế, con ông còn chán mới xong lớp 4, còn gần 2 năm nữa mới lên cấp, mới chuyển trường cơ mà. Một năm rưỡi, anh nói, 18 tháng mà lâu lắm à ? Ông thử hỏi thiên hạ xem, không lo từ bây giờ đến lúc giật mình, chắc không còn đường lép...
Một người khác cũng giận khi tôi góp ý rằng cháu nó đã không thích học tiếp, muốn đi làm, sao cứ ép nó vào đại học. Thời buổi này, anh khẳng định, có bằng đại học chưa chắc đã xin được việc; không chữ trong đầu làm ăn với ai. Ngay cả nhiều người biên chế đã bao nhiêu năm, thậm chí đã trở thành lãnh đạo vẫn cố học thêm để trên danh thiếp, để khi giới thiệu có được cái học vị thạc sĩ, tiến sĩ trước chức danh, trước họ tên. Có thế mới chắc không lép với đời, mới chắc giữ được ghế. Thế mà ông cứ nhất nghệ nhất tinh...
Ai cũng mong mỏi, khát khao con tốt nghiệp đại học. Nhiều cháu thi trượt đại học nhất định không thi vào cao đẳng. Mặc dù học cao đẳng nhiều cái lợi. Sau 3 năm học, tốt nghiệp, có tay nghề, lại được vào thẳng đại học. Thêm 2 hoặc 3 năm nữa sẽ thành cử nhân hay kỹ sư. “Không, cháu không vào cao đẳng đâu. Bạn bè đứa nào cũng đại học cả. Trượt thì học tiếp, thi lại. Tự nhiên cháu lại cao đẳng, chúng nó khinh cho”. Cháu tôi dứt khoát như thế và bố mẹ nó cũng ủng hộ.
Sống chết vào được đại học, những tưởng công cha, sức mẹ, danh vọng, tương lai của bản thân sẽ khích lệ, động viên chúng tiếp tục học, tiếp tục vươn lên. Nhưng không. Chúng vào đại học như thể để chơi, để khoe chứ không phải để học thành tài.
Trong trường đại học có một thuật ngữ - Tăng ca. Đó không phải là học thêm, nghiên cứu thêm. “Tăng ca” là chỉ những sinh viên phải học lại. Tỷ lệ hoàn toàn không nhỏ - 20%. Đầu năm học vào trường 2.500 cuối năm ở lại 500. Trong 2.000 được lên năm thứ 2 số học giỏi đếm trên ngón tay. Học trung bình chừng 1.000. Còn lại được lên là do vớt; là vì chỉ tiêu, vì thành tích của khoa, của trường; vì bố mẹ chạy. Mấy năm trời vất vả mới được bước vào kỳ cuối cùng - tốt nghiệp, nhưng ngay cả thời điểm quyết định đó không ít sinh viên vẫn rất thờ ơ - cứ như tốt nghiệp là chuyện của phụ huynh, của thầy cô giáo. Không buồn biết ai là giáo viên hướng dẫn, khi nào thì bảo vệ. Có sinh viên lại cố gắng chạy để được hoãn tốt nghiệp. Vì thế nên lại 1/5, tức 20% sinh viên năm cuối cùng không thể chia tay với trường !
Tình trạng đó được gọi hoa mỹ là “Tăng ca”.
Nhìn bề ngoài con em chúng ta được đào tạo rất chắc và thực sự trong những năm qua số học sinh, sinh viên tăng không ngừng. Tăng tới mức “thầy” nhiều hơn thợ. Người có bằng cấp có lẽ nhiều hơn người biết làm việc, người có tay nghề. Xin kể thêm mấy chuyện.
1. Bạn tôi chắc là có lý khi toan tính chọn chỗ học cho con khi nó lên THCS và chạy ngay từ bây giờ, khi cháu chưa thi học kỳ I lớp 4 và một năm rưỡi, tức là 18 tháng, không phải nhiều nhặn gì để chạy. Mới ra Tết em gái tôi đã vội đăng ký và vừa vào hè đã đưa con vào lớp dự bị để đến tháng 9 cháu đàng hoàng vào lớp 1. Chắc chỉ ở nước ta mới có hai lớp đặc biệt dù không được đưa vào chương trình đào tạo chính thức - dự bị vào lớp 1 và lớp 13, chuẩn bị thi vào đại học.
2. Đọc báo cáo tại một đại hội của Hội nhà văn Liên Xô về những thành tựu của nền văn học Xô Viết, một nhà văn đưa ra một dẫn chứng hùng hồn: Trước Cách mạng cả vùng Tula, ngoại vi Mát-xcơ-va, chỉ có một nhà văn. Giờ đây vùng này có cả một Hội nhà văn với trên 100 hội viên. Cả hội trường vỗ tay nồng nhiệt. Một nhà văn lão thành nổi tiếng nói: Đúng là khi đó cả vùng Tula chỉ có một nhà văn. Nhưng đó là ai ? Đó là Lép Tônxtôi. Còn hơn một trăm nhà văn mới kia chắc mấy ai biết là ai.
Và chắc hẳn một trăm kia không thể so với một Lép. Lép Tônxtôi mà nhà thơ Chế Lan Viên ngụ ý.
Cách đây mới mấy chục năm một trong những vấn đề nan giải của đất nước là lương thực. Khi đó dân số chưa đông, đất canh tác còn nhiềumà cái đói thường xuyên đe dọa. Giờ đây người đông hơn, nhu cầu cao hơn, đất canh tác ít hơn nhưng chúng ta không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu gạo. Những cánh đồng 5 tấn ước vọng ngày xưa nay 15 tấn là bình thường. Mục tiêu phấn đấu thậm chí không phải là 20 triệu tấn mà là 50 triệu đồng và cao hơn trên một hécta. Bước ngoặt đột biến đó do đâu mà có ? Phương thức sản xuất đã thay đổi cơ bản. Từ quảng canh chuyển sang thâm canh; từ thủ công chuyển sang cơ giới. Tiếc rằng lĩnh vực giáo dục - đào tạo không theo kịp chuyển biến của nền kinh tế, vẫn chạy theo quảng canh, vẫn lấy đại trà làm mục đích và do vậy kết quả có rộng mà không có sâu; chắc bên ngoài mà lép bên trong.
Với điều kiện kinh tế, trường lớp, phương tiện giáo dục, đội ngũ giáo viên như hiện nay giáo dục phổ thông chưa thể phổ cập toàn diện quảng canh, đại trà, nghĩa là phổ cập chỉ hiệu quả ở mức THCS, còn vào THPT đã phải chọn lựa. Đại học là đào tạo nhân tài, đào tạo những người quản lý, sáng tạo nên càng phải chọn lựa, không thể mởtoangcửa, lấy số lượng làm mục đích. Lối thoát, giải pháp cho những ai không vào được THPT, đại học đã có. Đó là hệ thống các trường dạy nghề, cao đẳng. Vậy mà nhất định cứ đại học.
Ai dám chắc một cháu bé trước khi vào lớp 1 phải qua lớp dự bị sẽ học tốt hơn ? Liệu lớp 13 có bảo đảm cho một học sinh không bị lép khi thi vào đại học ? Một bên đại trà vào 2.500, ra 1.000 mà “lép” là chính; một bên chọn lựa kỹ càng vào 800, ra 700 và “chắc” là chính thì bên nào lợi hơn ?
Một ông Lép Tônxtôi và một trăm ông nhà văn vô danh. Chắc ai cũng muốn một ôngLép, nhưng người ta lại cứ đào tạo 100 ông nhà văn tiểu tốt. Thành tích cũng là cái gì đấy chứ.
HNM