Sóng nhạc sông Hồng
Nếu như sông Thương, sông Cầu của người Kinh Bắc như ánh mắt người con gái lúng liếng duyên thầm; sông Mã xứ Thanh vạm vỡ tiếng hò dô và dòng Hương lững lờ trôi như nét đằm thắm ẩn chứa nhiều tâm tư xứ Huế..., thì sông Hồng hình như ít được ví với tình yêu đôi lứa.
Dòng sông Cái ôm chứa nét bao dung của người mẹ, sự hào sảng của người cha, như chốn tìm về của những người con và cứ thế đi vào âm nhạc tạo dựng cho mình một căn tính không dễ lẫn...
Bản trường ca "Người Hà Nội" được xem là một trong những tác phẩm tầm vóc nhất của âm nhạc Việt Nam. Có thể thấy tác giả Nguyễn Đình Thi đã đặt sông Hồng ở vị thế đặc biệt, khai thác trong nhiều trường đoạn khác nhau, mỗi trường đoạn lại mang một tinh thần riêng nhưng quyện chung vào tình yêu và ý chí quyết tâm. Sông Hồng được nhắc tới 6 lần trong toàn bộ tác phẩm. Ngay câu mở đầu gợi không khí một Hà Nội linh thiêng thì sông Hồng đã xuất hiện: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây” và khẳng định: “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”. Với Nguyễn Đình Thi, sông Hồng là một trong 3 địa điểm thiêng, 3 điểm này lại chung một điểm đều là không gian sông nước. Hồn cốt Hà Nội nằm ở đó, hồn cốt văn hóa dân tộc nằm ở đó.
Sau câu mở đầu gợi một Hà Nội tĩnh tại, thâm sâu, tác giả trở về thực tại ở thời điểm những năm tháng cam go của Hà Nội, trong lời hiệu triệu “Hà Nội vùng đứng lên!” được nhắc ba lần thì sông Hồng lại hiện lên xen kẽ giữa lần nhắc lại thứ hai và thứ ba như tiếp thêm ý chí quyết tâm đánh tan quân thù: “Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!”. Tác giả xây dựng câu hát như tạo nên một cặp có sự đối xứng, chẳng hạn ở câu hát “Hà Nội đẹp sao! Ôi nước hồ Gươm xanh thắm lòng/ Bóng Tháp Rùa thân mật êm ấm lòng” đang đậm chất trữ tình như đưa người nghe vào một Hà Nội bình yên thì lại choàng tỉnh bởi câu hát mạnh mẽ xuất hiện ngay sau đó: “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng”. Thủ pháp sáng tác này còn lặp lại một lần nữa nhưng ở tinh thần khác, trong câu hát “Ngày ấy chói vinh quang vang ngàn phương lời thề nước/ Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng Hà”. Và, tiết tấu, sắc thái âm nhạc lại đột ngột thay đổi khi sông Hồng được nhắc tới ở lần thứ 5: “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Sông Hồng reo!".
Và lần thứ 6, cũng là lần cuối cùng sông Hồng được nhắc tới trước khi khép lại bản trường ca, đó là một giai điệu trữ tình, thật đẹp vút lên gắn liền hình tượng sông Hồng với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hồng Hà/ réo sóng/ say sưa/ trông Cha/ bóng Người/ mênh mông”. Câu hát gợi niềm hạnh phúc tột cùng nhưng lạ thay, tính chất âm nhạc lại như lắng xuống, có lẽ bởi âm hưởng của sự tri ân lớp lớp người đã bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần tất cả vì Hà Nội, vì đất nước, dẫu có phải hy sinh xương máu để “ta tưới ngày mai vút lên”.
Lại có một Hà Nội cụ thể hơn, cũng trong những năm tháng cam go nhưng vẫn toát lên vẻ bình yên như nơi đây vốn có: “Tôi đứng đây, trên nhịp cầu Long Biên lộng gió/ Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn nghìn năm sóng vỗ”, và rồi “Hà Nội hiên ngang, tay súng sẵn sàng/ Tôi lắng nghe từ phố phường thân yêu đang vọng về đây tiếng nói sớm chiều...” (ca khúc “Tiếng nói Hà Nội” của nhạc sĩ Văn An)...
Bên cạnh một sông Hồng như điểm tựa vững chắc cho lòng người, sông Hồng còn hiện hữu dịu dàng và vẫn đầy tinh thần hào sảng, bao dung như hình ảnh trong "Ngẫu hứng sông Hồng" của nhạc sĩ Trần Tiến. Nếu bỏ từ sông Hồng khỏi tiêu đề ca khúc, nếu thay thế đoạn ca từ có nhắc đến dòng sông, nhắc đến Hà Nội: “... Hồng Hà mùa thu, Hà Nội mùa thu, một ngày mùa thu đầy gió” thì ca khúc vẫn ngập tràn màu sắc và nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ với vùng trung tâm là Thăng Long xưa và Kinh Bắc. "Ngẫu hứng sông Hồng" nhắc đến một vùng văn hóa Thăng Long, ở đó có chị Hai, có con chim sáo sang sông, có con chim xít cặm cụi bến sông, có bóng dáng câu dân ca “Yêu nhau cởi áo cho nhau...”, có chàng Trương Chi thổi sáo bên dòng Tiêu Tương vùng Kinh Bắc... Rõ ràng, sông Hồng trong âm nhạc không đơn thuần là một dòng sông hiện hữu.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cảm nhận về dòng sông Hồng linh thiêng chảy từ trong tiềm thức chảy vào đời sống hôm nay, nó tựa như sự kết nối mạch nguồn dân tộc qua nhiều thế hệ. Ông giãi bày trong trong ca khúc "Bên dòng sông Cái": “Gió sông Hồng thổi trong lòng tôi/ Gió sông mẹ lại gọi trong lòng tôi/ Những bờ tre bãi mía hát lên rì rào/ Như tha thiết trao nhắn bao lời ngọt ngào”. Rồi là “Trước dòng sông, tôi người con châu thổ/ Bàn chân sẫm đất cõi lòng đăm đăm/ Trong sâu xa căn nguồn thăm thẳm/ Có một miền, có dòng sông ngóng trông, vẫy gọi mãi”. Ca khúc cứ như thế miên man, rừng rực và kết thúc ở câu hát “vẫy gọi mãi” trên nốt cao kéo dài như lan tỏa vào không gian bao la...
Trong cảm nhận của nhiều nhạc sĩ khác, sông Hồng như người mẹ, như người thân, như một điểm tựa để ta vững tâm bước đi thật xa trên đường đời... Cho nên, sông như một hình ảnh đẹp luôn nằm trong ký ức của những người con đã từng bén duyên với nơi này. Nhạc sĩ Phú Quang từng giãi bày: “Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế/ Như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi” (thơ Thanh Tùng) trong ca khúc "Hà Nội ngày trở về" của ông. Nhạc sĩ Lê Vinh trong "Hà Nội và tôi" lưu trong tâm hồn mình hình ảnh đẹp về dòng sông: “Nơi tôi sinh Hà Nội/ Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy/ Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó/ Đêm nằm nghe trong gió/ Tiếng sông Hồng thở than”... Nhạc sĩ Dương Thụ thì chỉ có ước mơ rất nhẹ nhàng như thấm thía: “Tôi mong về Hà Nội/ Để nghe gió sông Hồng thổi/ Để thương áo len cài vội/ Một chiều đông rét mướt...”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường rực lửa với những ca khúc viết về Tây Nguyên nhưng lại rất tinh tế, đậm chất Đồng bằng Bắc Bộ khi gửi gắm tình cảm tới Hà Nội trong ca khúc "Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội". Trong ca khúc, ông nhắc đến sông Hồng ở điệp khúc: “Phía sông Hồng/ Những cánh buồm, những cánh buồm nâu/ Những con thuyền dắt nhau về đâu? Bãi dâu chiều khuất xa...”. Nhạc sĩ mượn hình ảnh sông Hồng như hình ảnh Hà Nội, hình ảnh người mẹ, những gì thân thương nhất mà nhạc sĩ đã trải qua trong suốt tuổi thơ đẹp đẽ ở nơi 36 phố phường. Theo thời gian, nhịp sống thay đổi nhưng ký ức thì còn mãi những ngày tuổi thơ rong ruổi nơi phố phường Hà Nội, những tên phố Hàng Lược chợ hoa, Hàng Đào lụa tơ, lũ bạn tuổi thơ rủ nhau trốn học...
Có thể nói, sông nói chung, sông Hồng nói riêng có vị trí quan trọng, khơi nguồn sáng tạo cho các nhạc sĩ sáng tác nên những bài ca đẹp dâng cho cuộc đời. Sông Hồng hiện hữu trong ca khúc như dòng sông thân thương của tuổi thơ những người con Hà Nội, như hiện thân của người mẹ, điểm tựa tinh thần cho những người con. Sông Hồng cũng có thể đại diện cho vùng châu thổ sông Hồng với vị trí trung tâm, tạo nên không gian văn hóa làng xã đậm đà bản sắc dân tộc. Sông Hồng còn là hiện thân của khí phách ngàn năm của dân tộc Việt...