Thương mại xanh - cuộc chơi minh bạch
Để đạt được mục tiêu tham vọng trung hòa khí các-bon, chống biến đổi khí hậu, nhiều quy định mới liên quan tới thương mại xanh đang được các quốc gia triển khai, nhất là tại Liên minh Châu Âu.
“Cuộc chơi” minh bạch, gắn với xu hướng tất yếu vì sự phát triển bền vững cho toàn cầu trong tương lai này cũng đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và cả những cơ hội. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.
- Liên minh Châu Âu (EU) liên tục đưa ra các quy định mới liên quan cơ chế xanh cho hàng hóa nhập khẩu. Ông có thể nói rõ hơn về các cơ chế này cũng như những mục tiêu EU đề ra?
- Từ ngày 1-10-2023, 27 quốc gia thành viên EU bắt đầu thí điểm “Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon” (CBAM) đối với một số loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. 6 loại hàng thải ra nhiều các-bon nhất được EU xác định là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo CBAM.
Trước đó, ngày 16-5-2023, EU đã thông qua “Quy định về chống phá rừng” (EUDR). Theo đó, để được phép nhập khẩu và lưu thông các nhóm mặt hàng (bao gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc và cao su) tại EU, các doanh nghiệp phải bảo đảm sản phẩm là hợp pháp, không gây mất rừng và suy thoái rừng.
Có thể thấy, EU đặt mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí các-bon vào năm 2050 và khuyến khích ngành công nghiệp sạch ở ngoài EU.
- Lộ trình triển khai quy định như thế nào, thưa ông?
- EUDR bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29-6-2023. Doanh nghiệp lớn có 18 tháng (tức đến ngày 31-12-2024), doanh nghiệp vừa và nhỏ có 24 tháng (tức đến ngày 30-6-2025) sau khi EUDR có hiệu lực để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu của EUDR.
CBAM có giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1-10-2023 đến hết năm 2025. Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu ở EU sẽ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính có trong hàng hóa nhập khẩu nhưng không phải trả khoản phí nào. Từ năm 2026, EU sẽ đánh thuế các-bon đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Hết năm 2025, EU sẽ đánh giá hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm, dịch vụ hơn, bao gồm cả nguồn phát thải gián tiếp.
- Các cơ chế này có song hành với những quy chế thương mại được công nhận chung trên thế giới không thưa ông? Vì sao đây là thời điểm các quy định này được đưa ra một cách mạnh mẽ?
- Cả EUDR và CBAM sẽ song hành với những quy chế thương mại được công nhận chung trên thế giới. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đặt ra một số tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Tuy nhiên, EUDR và CBAM của EU tiến lên mức cao hơn nhằm giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), EU cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trước mắt là mục tiêu giảm 50% khí thải vào năm 2030. Để đạt được những mục tiêu trên, đây là thời điểm các quy định về ngăn chặn nạn phá rừng và giảm phát thải được EU đưa ra mạnh mẽ. Tuy nhiên dự báo, bảo hộ thương mại, áp dụng các hàng rào kỹ thuật trong thương mại cũng sẽ tăng lên.
- Như vậy sẽ có nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp hơn?
- Trong giai đoạn chuyển tiếp, nhà nhập khẩu EU nhận thông tin liên quan đến phát thải các-bon từ nhà xuất khẩu và báo cáo với cơ quan quản lý. Thủ tục này rất khó khăn và có khả năng trở thành rào cản nhập khẩu. Mặc dù các nhà nhập khẩu là đối tượng chịu trách nhiệm nhưng để có thông tin báo cáo, họ sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất cung cấp thông tin về lượng phát thải trong sản phẩm, chi phí trả cho định giá các-bon trong nước cũng như các sản phẩm được bán ở thị trường EU không dẫn đến nạn phá rừng và làm suy thoái rừng.
Vì vậy trước mắt, các doanh nghiệp tự tính toán, xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát và giảm lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược, kế hoạch hành động để ứng phó; xây dựng phương án giảm thiểu lượng các-bon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.
- Theo ông, trong dài hạn các ngành nào sẽ chịu tác động nhiều nhất trước những quy định mới này?
- Về dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của EUDR và CBAM cũng như các cơ chế, quy định tương tự. EVFTA đã giúp xuất khẩu sắt thép sang thị trường EU tăng trưởng trong thời gian qua. Tuy nhiên, sắt thép là nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ các-bon cao. Bên cạnh đó, dệt may, da giày, đồ gỗ, giấy, thủy tinh... sẽ chịu tác động lớn trước những quy định mới này. Kể cả các mặt hàng nông sản mà Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu vào EU cũng sẽ chịu nhiều tác động trong thời gian tới.
- Bên cạnh những thách thức, cơ hội nào mở ra khi EU và các thị trường trên thế giới triển khai thương mại xanh, thưa ông?
- Những cơ chế, quy định của EU cũng như một số thị trường khác sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và nâng cấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, vật liệu và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó các doanh nghiệp sẽ tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tiến tới hình thành các cụm, ngành sản xuất chuyên môn hóa. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tăng cường tiếp cận nguyên liệu đầu vào chất lượng cao hơn và nâng cao năng lực cho các dịch vụ hỗ trợ, như tìm nguồn cung ứng, thiết kế, phát triển sản phẩm.
- Trong bối cảnh các tiêu chuẩn xanh với hàng hóa nhập khẩu ngày càng cao hơn, các doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng?
- Các doanh nghiệp cần áp dụng và đạt các chứng chỉ về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu. Các doanh nghiệp cần căn cứ tiêu chí xanh trong sản xuất, xác định tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm dịch vụ định hướng xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tự xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí các khía cạnh của sản xuất xanh như cải tiến quy trình sản xuất; sử dụng nguồn nguyên, vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; tiết kiệm năng lượng điện, nước; lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải.
- Trân trọng cảm ơn ông!