Kịch Vũ Như Tô - tác phẩm một thời và mãi mãi
Văn hóa - Ngày đăng : 08:37, 24/07/2005
Thế nhưng, sự nghiệp văn học mà ông để lại cho hôm nay thật lớn lao. Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Vũ Như Tô, An Tư, Đêm hội Long Trì, Những người ở lại, Sống mãi với Thủ đô... những tác phẩm đã trở thành kinh điển của nền văn học và sân khấu nước nhà được ông viết từ hơn 60 năm trước, nay vẫn còn đó, bền bỉ với thời gian. Đặc biệt là Vũ Như Tô - một vở kịch lịch sử về ngày hôm qua, nhưng vẫn luôn mang tính thời sự của hôm nay.
Lớp công chúng trẻ hôm nay, nếu đã một lần đọc hoặc xem kịch Vũ Như Tô, hẳn cũng sẽ ít nhiều phải day dứt trước: Một người kiến trúc sư tài hoa như Vũ Như Tô buộc phải chấp nhận cái chết vừa oan nghiệt vừa bi tráng; Một Cửu Trùng Đài - công trình kiến trúc sẽ rất tráng lệ (có thể trở thành kỳ quan nữa) nếu nó được hoàn thành, thay vì bị thiêu rụi... và nhất là lời vọng thống thiết của Vũ Như Tô “Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài !”; rồi nữa là cái hình ảnh đám quần chúng (hiện thân cho nhân dân) hò reo đốt phá kinh thành, đòi giết Vũ Như Tô... Thật không khó để nhận thấy, đám quần chúng dù là hiện thân cho lẽ phải, thế nhưng ở đây, dường như cái lẽ phải ấy không thật đẹp, không thật trọn vẹn ý nghĩa, thật đúng bản chất của những con người nhân danh công lý. Có lẽ cũng bởi vậy mà trong lời đề tựa, nhà văn đã viết: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải ? Cửu Trùng Đài không thành nên mừng hay nên tiếc?”.
Theo sử chép: “Vũ Như Tô thiết kế cung điện vua Lê, xây cung một trăm nóc, xây Cửu Trùng Đài. Việc xây dựng xa xỉ, hoang phí, chết hại sinh linh, đưa đến biến loạn. Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực năm 1516 và An Hòa Hầu Nguyễn Hoàng Dụ tụ Bồ Đề (tức Gia Lâm) đem quân về đốt phá kinh đô và mang Vũ Như Tô ra chém ở ngoại ô Thăng Long vào năm 1518”. Nhiều bài viết, bài nghiên cứu về tác phẩm nhận định: Kịch bản Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng đã vươn ra khỏi địa hạt lịch sử để bước vào địa hạt nghệ thuật, vào vị trí của người nghệ sĩ trước bạo quyền và nghệ thuật. Sự giằng co của Vũ Như Tô trước hai giải pháp: Có nên nhận lời một hôn quân xây điện đài xa xỉ, làm tội muôn dân, hay là chịu cực hình mà chết. Đúng lúc Vũ Như Tô chọn con đường chết thì nhân vật cung nữ Đan Thiềm xuất hiện, khuyên người kiến sư tài hoa phải sống để thực hiện tác phẩm để đời. Và Vũ Như Tô đã chấp thuận nghe theo Đan Thiềm. Bi kịch cuộc đời Vũ Như Tô được định đoạt kể từ giờ phút đó. Tác giả đã đưa ra những nghi vấn, tranh luận ở hai thái cực đối lập về cái chết của người nghệ sĩ tài hoa mà không đặt vấn đề giải quyết. Kịch Vũ Như Tô có thể xem như một hình thức tra tấn nội tâm, trình bày những dằn vặt trăn trở khi phải lựa chọn giữa nghệ thuật và con người...
Hẳn cũng bởi những ngổn ngang, những phân vân còn chưa ngã ngũ đúng - sai cho cái chết của Vũ Như Tô - đã khiến cho tác phẩm của một thời trở nên sống mãi với thời gian, ngay cả khi tác giả của nó đã đi xa về cõi vĩnh hằng từ ngót nửa thế kỷ qua.
HNM