Bão lửa tàn khốc nhất lịch sử Chile trong hơn 1 thập kỷ
Sau trận động đất khiến hơn 500 người thiệt mạng hồi năm 2010, Chile tiếp tục chứng kiến một thảm kịch quốc gia khác khi những trận cháy rừng tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 131 người.
Người dân vùng Valparaiso giàu có và đông đúc gần như không nhận được cảnh báo về một cơn bão lửa có sức mạnh tương đương vài quả bom hydro chuẩn bị ập đến. Fabiola Camilla, 31 tuổi, cũng không nhớ được điều gì bất thường ngoài thời tiết khô ráo tại khu vực người dân địa phương vẫn ví von như viên ngọc quý của Thái Bình Dương.
Nhưng Misael Vergara Tapia, cư dân ở làng Achupallas lân cận, đã nhận thấy những cơn gió nóng dữ dội bất thường. Chỉ một lúc sau, ngọn lửa bắt đầu lan từ nhà này sang nhà khác, thiêu rụi toàn bộ khu dân cư và đe dọa tính mạng hàng nghìn người.
“Lửa giống như một cơn lốc. Trong 5 phút, bạn không thể nhìn xa hơn nửa mét phía trước. Mọi người la hét, gọi điện cho gia đình. Có người thiệt mạng trên đường phố, trong ô tô”, người đàn ông 67 tuổi mô tả lại.
Vụ cháy rừng xảy ra ngày 2-2 được đánh giá là thảm họa tàn khốc nhất Chile trong hơn 1 thập kỷ, khiến ít nhất 131 người thiệt mạng và 370 trường hợp mất tích. Ngọn lửa đã xé toạc các khu dân cư trên sườn đồi, phá hủy hơn 15.000 ngôi nhà, khiến nơi này trở thành vùng đất hoang tàn.
Những cơn bão lửa với sức phá hoại tương tự là một hiện tượng đáng sợ. Lửa lan với tốc độ chóng mặt, trong khi bức xạ nhiệt có thể cướp đi tính mạng của những người ở cách xa hàng trăm mét. Các chuyên gia đang đặt câu hỏi: Điều gì gây ra hiện tượng này và có thể làm gì để ngăn chặn?
Giống như hầu hết các vụ cháy rừng ở Chile, những dấu hiệu ban đầu đều liên quan đến mức nhiệt độ cao bất thường, độ ẩm thấp và gió mạnh. Ngọn lửa bùng phát vào giữa trưa ở các khu vực miền núi. Đến chiều, lửa lan về phía Bắc thành phố Vina del Mar, nơi sinh sống của 330.000 người, trước khi tràn tới các thị trấn Quilpue, Limache và Villa Alemana.
Người dân địa phương cho biết, họ không nhận được cảnh báo chính thức nào, hoặc cảnh báo quá muộn. Trái lại, Cơ quan ứng phó thảm họa quốc gia Chile tuyên bố đã gửi cảnh báo nhưng họ yêu cầu sơ tán. Cuối giờ chiều, những đám cháy đã thiêu rụi nhà cửa của người dân.
“Điện tắt và chuông báo động bắt đầu kêu. Chúng tôi bắt đầu thấy khói và tro bụi ở khắp nơi. Mọi thứ xảy ra chỉ trong vài phút”, Fabiola Camilla nhớ lại.
Sống cạnh một bến xe buýt, Viviana Mateluna, 44 tuổi, mô tả: “Tất cả xe buýt và dây cáp điện bắt đầu phát nổ. Chúng tôi nghĩ mình đang bị đánh bom”.
Theo Telegraph, những ngọn đồi với đặc điểm nhiều đường hẹp, ngõ cụt và ít lối ra đã nhanh chóng dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng khi người dân cố gắng trốn thoát bằng ô tô. Tình trạng này cũng khiến lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận, trong khi những con gió từ các thung lũng thổi bùng ngọn lửa.
Một báo cáo gần đây trên tạp chí Nature cho thấy, cháy rừng đã trở nên phổ biến gấp ba lần ở Chile trong những năm gần đây. Các quan chức cho biết, một số vụ cháy rừng xuất phát từ hành vi có chủ đích, trong khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân khiến các đám cháy nhanh chóng lan rộng.
Tiến sĩ Raul Cordero nhận định, cháy rừng đang gia tăng do sự kết hợp của El Nino và hiện tượng nóng lên toàn cầu.
“Những năm xảy ra cháy rừng thường xuyên hơn là những năm có El Nino. Không thể tiếp tục bỏ qua ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đối với thời tiết”, chuyên gia về khí hậu tại Đại học Groningen và Đại học Santiago nhấn mạnh.
Cũng theo tiến sĩ Raul Cordero, điều bất thường chính vào ngày xảy ra hỏa hoạn là nhiệt độ khắc nghiệt, lên đến 36 độ C ở tâm chấn. Mức nhiệt này có thể là kỷ lục mọi thời đại đối với thành phố Vina del Mar.
Địa hình đồi núi tại vùng Valparaiso cũng tạo ra những trận gió lớn với tốc độ được ghi nhận hơn 40km/h vào ngày xảy ra cháy rừng. Theo đánh giá của chuyên gia quy hoạch đô thị Marcelo Ruiz, những khe núi này giống như ống khói, làm tăng tốc độ và hạn chế không gian di chuyển của gió. Những khu rừng lớn chủ yếu gồm các loại cây không bản địa dễ cháy cũng nhanh chóng bị nhấn chìm trong biển lửa.
Những năm gần đây, Chile đã tăng mức đầu tư vào năng lực cứu hỏa. Nhưng nỗ lực này vẫn chưa đủ trong bối cảnh điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Tiến sĩ Raul Cordero cho rằng, cần cải thiện quy hoạch đô thị để tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp với hỏa hoạn. Đồng quan điểm, ông Marcelo Ruiz cũng đề cập đến việc xây dựng đường sá và sở cứu hỏa ở ranh giới các khu vực dân cư.
Do ảnh hưởng của thảm họa cháy rừng, hàng nghìn người đang phải trú ngụ trong những căn lều hoặc dưới các tấm bạt. Cờ Chile được sử dụng để đánh dấu những căn nhà đã bị phá hủy. Trên những cánh cửa còn sót lại là danh sách những người cư trú. Những trường hợp tìm kiếm người thân được cung cấp danh sách mất tích hoặc được xác định đã thiệt mạng.
Dù là quốc gia thu nhập cao với GDP bình quân đầu người cao nhất Mỹ Latinh nhưng Tổng thống Chile Gabriel Boric vẫn buộc phải kêu gọi hỗ trợ tài chính và công bố quỹ tái thiết quốc gia.
“Việc tái thiết sẽ không dễ dàng. Chúng tôi cần rất nhiều trợ giúp về mặt kinh tế. Mọi sự hợp tác, trong hay ngoài nước, đều được hoan nghênh”, Tổng thống Gabriel Boric tuyên bố ngày 8-2.