Ân tình đôi làng ven sông Đáy
Dù cách nhau dòng sông Đáy nhưng ân tình đôi làng Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) và Nam Dương (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) luôn keo sơn, gìn giữ, trao truyền từ trăm năm nay.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới trong ngày đầu xuân Giáp Thìn, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi tổ dân phố Văn Giang Nguyễn Minh Quân, cho biết, dù không sinh sống trên cùng rẻo đất nhưng hai làng Văn Giang và Nam Dương kết nghĩa, coi nhau như anh em, giúp đỡ lẫn nhau từ hàng trăm năm nay...
“Chiều 30 tháng Chạp vừa qua, thôn Văn Giang tổ chức lễ tất niên Quý Mão thì thôn Nam Dương cử đoàn sang hợp tế. Sớm mùng 1 Tết năm Giáp Thìn, đoàn của thôn Văn Giang sang hợp tế tân niên ở thôn Nam Dương. Ngoài việc của làng, các gia đình có việc hiếu, việc hỷ đều báo cho nhau biết để chia buồn, chung vui. Đặc biệt, từ xưa đến nay, dân hai làng chưa từng xảy ra xích mích lớn”, ông Nguyễn Minh Quân tự hào chia sẻ nét đẹp truyền thống của hai làng.
Nói về mối thâm tình này, cụ Đinh Hữu Đâu và các cao niên làng Nam Dương kể, xưa Nam Dương đang có cuộc sống êm đềm, yên ấm thì bỗng dưng một ngày nọ, giặc giã tràn về. Chúng quấy nhiễu cuộc sống của người dân, tàn phá nhà cửa, cướp của cải, lợn, gà, trâu, bò... Các bậc trưởng lão ra đình đánh trống kêu cứu. Dân làng Văn Giang ở bên kia sông Đáy nghe tiếng trống đã lập tức bơi thuyền sang hợp sức đánh đuổi.
Sau khi tan giặc giã, hai làng họp nhau lại kết nghĩa anh em và lập ra một bản hẹn ước: Hễ khi nào có giặc hay bọn cướp hoành hành thì đánh trống để ra hiệu cùng nhau chống lại, bảo vệ xóm làng... Lời hẹn ước đó được dân hai làng nâng niu, ghi nhớ và truyền lại cho các thế hệ tiếp nối vun đắp. Tinh thần đoàn kết và mối thâm tình đó đã liên kết nhân dân hai làng thành khối sức mạnh to lớn đánh đuổi giặc giã, chiến thắng thiên tai, địch họa...
Để khẳng định lời hẹn ước, từ thời vua Tự Đức (năm 1849), Văn Giang và Nam Dương đã tổ chức “lễ hội đôi dân” trên dòng sông Đáy. Trong lễ hội, nhân dân hai làng lập lời thề thủy chung trước sự chứng giám của đấng thần linh. Kể từ đó đến nay, “lễ hội đôi dân” vẫn diễn ra trên dòng sông Đáy. Thông qua mỗi lần tổ chức, “lễ hội đôi dân” ôn lại, tôn vinh tinh thần đoàn kết, kiên cường đấu tranh và phát huy những nét đẹp văn hóa và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên...
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, việc kết giao giữa hai làng Văn Giang và Nam Dương giống như tục kết chạ ở nhiều nơi thuộc châu thổ Bắc Bộ. Tuy nhiên, nội dung kết chạ được thể hiện bằng văn bản chữ Hán và còn lưu giữ đến ngày nay như hai làng này là hiếm, tạo nên giá trị lịch sử rất lớn.
Đặc biệt, lễ hội của hai làng được tổ chức 3 năm một lần luân phiên vào ngày 12 tháng Ba (âm lịch) còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa sâu sắc. Mọi hoạt động của lễ hội diễn ra trên mặt sông, hai làng tham gia lễ hội như bộ phận không thể thiếu, bình đẳng mọi việc, không có làng chủ, làng khách. Ngoài ra, lễ hội đôi dân Văn Giang - Nam Dương còn giá trị lớn về mặt khoa học, thể hiện rất rõ ở trình độ ghép 10 thuyền riêng lẻ thành một đoàn thuyền, trong đó có 1 thuyền chủ thực hiện các nghi lễ quan trọng...
Để giữ gìn những giá trị cao quý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, cuối năm 2023, hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa đã xây dựng hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền xem xét, chấp thuận đưa “lễ hội đôi dân” của Văn Giang - Nam Dương vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay với tiền nhân của hai làng Văn Giang - Nam Dương...