Sự “hồi sinh” của mẫu băng hoài cổ
Trong thời đại các dịch vụ phát trực tuyến kỹ thuật số thống trị ngành công nghiệp âm nhạc, băng cassette đang “hồi sinh” một cách đáng kinh ngạc tại Nhật Bản.
Từng bị coi là tàn tích của quá khứ nhưng những mẫu băng đầy khiêm tốn đang trải qua thời kỳ phục hưng, quyến rũ thế hệ mới đam mê âm nhạc bằng vẻ ngoài đầy hoài cổ cùng âm thanh ấm áp và phong phú đặc trưng.
Một số cửa hàng ở Tokyo đang mở rộng khu vực chuyên bày bán băng cassette - dấu hiệu cho thấy sự “’hồi sinh” của loại hình ghi âm analog nhỏ gọn, theo Nikkei Asia.
Dù nghe nhạc qua dịch vụ phát trực tuyến nhưng một nam sinh viên đại học 21 tuổi đến từ quận Kanagawa vẫn sở hữu khoảng 20 băng cassette sưu tầm từ thời trung học.
“Băng cassette là dành cho những lúc tôi muốn nghe nhạc một cách cẩn thận”, nam sinh viên tới cửa hàng Tower Records Shibuya ở Tokyo mỗi tuần một lần chỉ để tìm băng cassette cho biết.
Tại một số cửa hàng tương tự Tower Records Shibuya, mức độ phổ biến của băng cassette đang ngày càng tăng, đặc biệt đối với những người ở độ tuổi 20 đến 30, chưa từng trải qua thời kỳ hoàng kim của băng cassette vào những năm 1980. Theo những người trong ngành, doanh số băng cassette mới và đã qua sử dụng đang tăng.
Tháng 9-2023, cửa hàng Tower Records Shibuya đã mở rộng khu vực chuyên dụng để lưu trữ khoảng 3.000 băng cassette, gấp 6 lần so với trước đây, bao gồm cả băng mới và cũ.
Ko Takeda, người phụ trách bộ phận băng cassette, cho biết: “Người mua nằm trong độ tuổi từ thanh, thiếu niên đến 50 tuổi, trong đó, những người 30 tuổi là nhóm lớn nhất. Cassette dường như được thế hệ trẻ coi là mới và dễ thương”. Khu vực bày bán băng cassette cũng tỏ ra có sức hút đối với du khách nước ngoài.
Gần đây, đĩa than cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, Ko Takeda nhấn mạnh đến khả năng cạnh tranh của băng cassette. Với mức giá chỉ khoảng 1.000 yên, loại băng này đang trở thành lựa chọn “dễ chịu” hơn so với đĩa ghi thông thường.
Taro Tsunoda, người điều hành cửa hàng Waltz chuyên bán băng cassette ở quận Nakameguro (Tokyo) từ năm 2015 lưu ý, môi trường kinh doanh băng cassette đã “thay đổi đáng kể so với trước đây”.
Ban đầu, cửa hàng chủ yếu kinh doanh băng đã qua sử dụng nhưng nhiều nghệ sĩ thời gian gần đây phát hành bài hát mới trên băng cassette.
“Các nghệ sĩ lớn cũng chú ý đến xu hướng này và giá trị của băng cassette trên thị trường âm nhạc đang tăng lên”, Taro Tsunoda cho biết.
Theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Nhật Bản, YouTube chiếm 60% thời lượng nghe nhạc. Giữa tiêu chuẩn nghe nhạc thông qua các phương tiện kỹ thuật số như dịch vụ phát trực tuyến, băng cassette là thứ người nghe có thể sở hữu và cảm thấy gắn bó. Đối với thế hệ trẻ, chúng là điều mới lạ nhưng lại gợi lên nỗi hoài niệm về những ngày đầu nghe nhạc đối với những người đã từng sử dụng.
Cùng với sự trở lại của băng cassette, các mẫu máy nghe loại băng này cũng được tung ra thị trường gần đây, trong đó một số sản phẩm đạt doanh số tốt.
Toshiba Lifestyle, nhà sản xuất thiết bị điện có trụ sở tại Kawasaki, đã tung ra thị trường mẫu máy mới dựa trên máy nghe băng di động cassette “Walky” ở những năm 1980. Vì cho phép người dùng nghe nhạc bằng tai nghe không dây nên sản phẩm này cũng đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ đam mê công nghệ số.
Side-B Creations, công ty sản xuất, bán băng cassette và máy nghe nhạc ở Shibuya cho biết, doanh số máy nghe băng cassette cao hơn 10 lần so với năm 2017. Nhờ chất lượng âm thanh và kết cấu độc đáo, sức hấp dẫn của loại cỡ lòng bàn tay đang hấp dẫn người mua trẻ tuổi.
“Đối với người tiêu dùng, băng cassette là vật dụng hữu hình để sở hữu và trân trọng”, Chủ tịch Side-B Creations Takamasa Endo đánh giá.
Một số thương hiệu quần áo cũng đã bắt đầu sử dụng băng cassette thay lời mời tham gia các buổi trình diễn thời trang hoặc phân phát chúng như vật kỷ niệm. Điều này cũng cho thấy những thay đổi đối với cách sử dụng băng cassette để phù hợp với thời đại.