Chính trị

Khơi thông nguồn lực phát triển Thủ đô

Tiến Thành 11/02/2024 - 06:49

Gần 70 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Thủ đô Hà Nội luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt bậc, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những khâu đột phá chiến lược để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, phát triển xứng với vị trí “trái tim” của cả nước.

thanh.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại quận Hoàng Mai.

Vươn lên mạnh mẽ

Cách đây gần 70 năm, ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Đây là thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc của người dân Thủ đô, là ngày hội lớn của nhân dân cả nước, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Việt Nam, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô và đất nước. Những chiến công của quân và dân Hà Nội trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước qua các giai đoạn lịch sử cách mạng tiếp theo đã tô thắm, hun đúc nên một Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình; là niềm tự hào, động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô hôm nay tiếp tục phấn đấu, cống hiến, làm rạng danh mảnh đất kinh đô ngàn năm văn hiến.

Từ ngày 1-8-2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) vào Thủ đô Hà Nội. Quyết sách này mang lại tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. Hơn 15 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận”, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.

Cùng với đó, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” thực sự là kim chỉ nam để Thủ đô đạt nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người tính đến năm 2020 đã đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần so với năm 2010...

Ngày nay, Hà Nội đã mang một diện mạo, tầm vóc mới. Vị thế và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng lên, trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Phát huy nội lực, tranh thủ thời cơ

Bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ đã thực sự mở ra thời cơ mới, tạo động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, trong năm 2023, Thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, gồm lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu. Về hạ tầng giao thông, dấu ấn lớn nhất trong năm 2023 là Thủ đô đã cùng các địa phương đồng loạt khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào cuối tháng 6-2023.

Trong bối cảnh Thủ đô cũng như cả nước chịu tác động tiêu cực từ tình hình thế giới có nhiều biến động, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thành phố Hà Nội đã luôn chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, trong đó, điểm nổi bật là tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.

“Thành phố tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức” - đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.

Từ quan điểm chỉ đạo nêu trên, Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, dấu ấn quan trọng là phân cấp, ủy quyền đối với 574 thủ tục hành chính; phê duyệt 578 quy trình nội bộ, đạt tỷ lệ 100%. UBND Thành phố cũng kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh cho đơn vị, địa phương, doanh nghiệp với phương châm “phải đặt mình vào vị trí của địa phương, doanh nghiệp, có trách nhiệm với địa phương, doanh nghiệp để tháo bỏ những rào cản”.

Nhờ đó, kinh tế Thủ đô năm qua đạt mức tăng trưởng khá, hoàn thành thắng lợi những chỉ tiêu năm 2023: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 6,27% so với năm 2022, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán, tăng 23,8% so với năm trước. Những kết quả trên có được là nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô.

Hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược

Năm 2024, chúng ta sẽ long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) cũng là thời điểm nước rút thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND thành phố sẽ tập trung triển khai hiệu quả, thực chất hơn nữa chủ đề công tác năm: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát thực hiện nhiệm vụ bằng những kế hoạch chi tiết, hành động cụ thể. “Mỗi đơn vị sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm, tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình hành động năm 2024 ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024” - đồng chí Trần Sỹ Thanh giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương.

UBND thành phố cũng tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược, như trình Quốc hội khóa XV thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các kế hoạch triển khai trong năm 2024. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm...

Hà Nội tiếp tục thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai; triển khai đồng bộ các giải pháp về cải thiện, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hoạt động chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.

Dù phía trước còn khó khăn, thử thách, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của UBND thành phố cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, tin tưởng rằng Thủ đô sẽ khơi thông hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.