Dấu ấn tinh hoa trong bảo vật Thăng Long - Hà Nội
Cho đến nay, đã có hàng chục hiện vật, nhóm hiện vật ở Hà Nội được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là những hiện vật, nhóm hiện vật gốc, độc bản, hội tụ những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa nước nhà, góp phần khẳng định dấu ấn tinh hoa, bản lĩnh văn hóa của mảnh đất Thăng Long trong suốt dặm dài lịch sử.
Những hiện vật vô giá
Đợt công bố danh mục bảo vật quốc gia mới nhất (đợt thứ 11 - năm 2022) tiếp tục ghi dấu sự góp mặt của đông đảo hiện vật, nhóm hiện vật đến từ Hà Nội. Đó là bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng thuộc khu di sản Hoàng thành Thăng Long, ra đời cách đây hơn 400 năm, mang nhiều đặc trưng khác biệt so với “người anh em” là bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê sơ (trước đó cũng đã được công nhận là bảo vật quốc gia).
Theo đó, rồng trong bộ thành bậc thời Lê Trung hưng được chạm trong tư thế vận động theo chiều dọc từ trên xuống, với dáng dấp cứng cáp cùng hoa văn đường diềm cách điệu tinh xảo. Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, bộ thành bậc là đại diện sinh động và tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật, sức sáng tạo độc đáo thời Lê Trung hưng. Đây cũng là di tích hiếm hoi còn sót lại, phản ánh phần nào quy mô hoành tráng của kiến trúc điện thị triều thời kỳ này.
Ngoài hai bộ thành bậc điện Kính Thiên, khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn có 5 hiện vật, nhóm hiện vật khác được vinh danh là bảo vật quốc gia, gồm: Sưu tập bát đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, đầu rồng thời Trần, hai bát sứ ngự dụng thời Lê sơ, súng thần công thời Lê Trung hưng và lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long. Hoàng thành Thăng Long trở thành nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất ở Hà Nội.
Bảo tàng Hà Nội mang sứ mệnh lưu giữ câu chuyện văn hóa lịch sử về Thăng Long - Hà Nội suốt hơn 11 thế kỷ. Trong tổng số hơn 70 nghìn hiện vật, nhóm hiện vật được bảo quản, phát huy tại đây, có 5 bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Cổ Loa cùng bộ sưu tập lưỡi cày đồng trong trống; chuông đồng Thanh Mai; chân đèn gốm thời Mạc; Long đình gốm Bát Tràng và sưu tập vũ khí trường Giảng Võ. Trong đó, sưu tập vũ khí trường Giảng Võ - nhóm hiện vật mới nhất được ghi danh - có 111 hiện vật thuộc 13 chủng loại vũ khí từ thế kỷ XV - XVIII, là một trong những sưu tập vũ khí quý hiếm vào bậc nhất được phát hiện từ lòng đất Thăng Long - Hà Nội. Sưu tập vũ khí trường Giảng Võ giúp các nhà nghiên cứu khẳng định bên cạnh thành tựu về văn hóa giáo dục với di sản mang tính biểu tượng là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, kinh thành Thăng Long suốt nhiều triều đại cũng đặc biệt chú trọng tới việc sửa sang võ bị, chăm lo rèn binh luyện tướng, phòng thủ quốc gia.
Soi chiếu ngàn năm lịch sử
Trước khi Thăng Long được chọn làm kinh đô của nhiều triều đại tiếp nối, Cổ Loa đã hai lần là kinh đô dưới triều đại Thục Phán An Dương Vương (thế kỷ II - III trước Công nguyên) và Ngô Quyền thời kỳ dựng nền độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Dấu ấn lịch sử văn hóa ấy đến nay vẫn còn hiện diện rộng khắp ở khu vực này, đặc biệt nổi bật tại các vùng di tích cùng hàng ngàn cổ vật. Trong đó, hệ thống bảo vật quốc gia - đại diện cho nhiều thời kỳ lịch sử từ Đông Sơn đến Bắc thuộc và phong phú nhất phải kể đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc..., với đa dạng chất liệu như gốm, gỗ, đá, đồng... góp phần phản ánh diện mạo đời sống văn hóa người Việt trong quá khứ.
Chẳng hạn như bộ sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được phát hiện cùng với dấu tích lò đúc đồng trong đợt khai quật khảo cổ tại đền Thượng - khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh), đã chứng minh nơi đây là khu trung tâm luyện kim và đúc đồng của kinh đô xưa. Bộ sưu tập là chứng tích vật chất quan trọng giải mã huyền thoại nỏ thần, cũng như phản ánh thành tựu luyện kim nổi bật, bước tiến mang tính cách mạng trong kỹ thuật quân sự của nhà nước Âu Lạc.
Hay như bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen đặt tại chính điện đền Quán Thánh là một kiệt tác điêu khắc cho thấy tinh hoa nghệ thuật đúc đồng của các nghệ nhân thời Lê hơn ba thế kỷ trước. Còn bức giá tượng tại đình Nội, huyện Thanh Oai tái hiện sống động cảnh sinh hoạt thời đại Hùng Vương, ngoài giá trị văn hóa, lịch sử, còn thể hiện rõ tư tưởng hướng về nguồn cội.
Không chỉ hiện diện tại các bảo tàng, di tích trọng điểm, hệ thống bảo vật quốc gia còn có mặt trên nhiều địa chỉ văn hóa của Thủ đô, trải qua bao biến thiên lịch sử vẫn mang vẻ đẹp và câu chuyện văn hóa lịch sử độc đáo, khiến hậu thế xúc động. Thời gian qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, cổ vật nói chung, bảo vật quốc gia nói riêng luôn được Hà Nội chú trọng. Trong đó, ngành Văn hóa Thủ đô đã yêu cầu các địa phương xây dựng, hoàn thiện và triển khai phương án bảo vệ cũng như ưu tiên kinh phí cải tạo, nâng cấp công trình, bảo đảm bảo vật quốc gia được đặt trong chế độ bảo quản đặc biệt; đồng thời, xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị bảo vật quốc gia.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết, thời gian qua, số lượng bảo vật quốc gia tại Hà Nội liên tục tăng lên qua các đợt ghi danh. Bên cạnh công tác bảo vệ, bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuống cấp của bảo vật, thì việc phát huy giá trị các bảo vật, không để bảo vật “ngủ quên” tại nơi lưu giữ có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vậy, Sở thường xuyên đề nghị các địa phương tích cực triển khai công tác quảng bá giá trị các bảo vật quốc gia để di sản được "sống" trong đời sống đương đại, tiếp tục tỏa sáng dấu ấn tinh hoa, bản lĩnh văn hóa đất Thăng Long - Hà Nội.
Còn theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, bảo vật quốc gia sẽ được đưa vào hệ thống trưng bày thường xuyên sắp tới của bảo tàng với thiết bị bảo quản hiện đại cùng hệ thống tủ trưng bày bắt mắt. Đơn vị cũng dự kiến áp dụng công nghệ 3D đối với những hiện vật là bảo vật quốc gia, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, học tập của công chúng và quảng bá đến với du khách nước ngoài.