Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục
Năm 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, bởi là năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với ba khối lớp cuối cùng của hệ thống giáo dục phổ thông gồm: 5, 9 và 12.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học với chín khối lớp gồm: 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11. Năm 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, bởi là năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với ba khối lớp cuối cùng gồm: 5, 9 và 12.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành đang vừa rút kinh nghiệm, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với các lớp đã triển khai, đồng thời tích cực chuẩn bị điều kiện triển khai ở ba khối lớp cuối cùng từ năm học 2024-2025. Đây cũng là ba khối lớp cuối cấp ở ba cấp học, vì vậy việc chuẩn bị cần được thực hiện chu đáo, toàn diện và nghiêm túc, tạo nền tảng để để việc dạy, học được thực hiện chất lượng.
Một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới là xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ, khắc phục dần khó khăn đối với giáo viên.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Hiện nay chủ trương này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét. Mức tăng này chưa như kỳ vọng ban đầu của đội ngũ nhà giáo và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho hàng triệu giáo viên, góp phần "giữ chân" giáo viên, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nghề trong vài năm gần đây.
Theo kế hoạch, đến ngày 1-7-2024, lương giáo viên tiếp tục tăng sau cải cách tiền lương. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đội ngũ nhà giáo toàn ngành mong mỏi nội dung này sẽ được thực hiện như lộ trình, góp phần nâng cao đời sống giáo viên, giúp đội ngũ này yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Cả nước hiện còn thiếu gần 128.000 giáo viên, dự kiến con số này còn tiếp tục tăng bởi số lượng học sinh ở các địa phương cũng ngày càng tăng. Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện đời sống giáo viên, giúp giáo viên sống được bằng nghề, thấy được sự động viên, ghi nhận để yên tâm và sẵn sàng góp sức cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.