Chính trị

Bài học gần dân, tin dân, dựa vào nhân dân

Quốc Phong 10/02/2024 - 13:28

Tổng Bí thư Trường Chinh là một nhà tư tưởng và nhà văn hóa lớn của dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh. Ông đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng nước nhà trên nhiều phương diện, tỏa sáng đúng lúc trong mỗi bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong hai giai đoạn lịch sử cực kỳ quan trọng: Cách mạng Tháng Tám (1945) và công cuộc Đổi mới (1986). Ở ông, tư tưởng đổi mới và phong cách sống gần dân, luôn tin tưởng vào nhân dân là nét đặc biệt, rất đáng để chúng ta học tập.

truong-chinh-jpeg-167749100.jpg
Tổng Bí thư Trường Chinh tặng hoa cho đơn vị đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ hai, năm 1973. Ảnh: TTXVN

Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, có niềm tin đặc biệt vào dân...

Trong 3 lần đảm trách cương vị Tổng Bí thư Đảng ta với những tên gọi của Đảng khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương (1941 - 1951), Đảng Lao động Việt Nam (1951 - 1956) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc về lý luận tư tưởng và chỉ đạo cách mạng, bộc lộ tài năng đúng lúc khi cách mạng Việt Nam đứng trước những thử thách vô cùng cam go. Nó cam go đến mức đe dọa vận mệnh của Đảng và của dân tộc ta.

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta, khi đó chỉ có vỏn vẹn 5.000 đảng viên, gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. “Bộ tư lệnh tối cao” của Đảng bị địch truy nã, bắt giam, số đồng chí bị tử hình không hề ít. Thế nhưng, tất cả đều một lòng nhiệt huyết, hy sinh vì cách mạng. Chính vì nhờ có khối tài sản vô giá là “5 ngàn bó đuốc sống” mà Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng thành công.

Theo hồi tưởng của cố Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám) thì: "Trước hết, Trường Chinh là người cộng sản sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình, hoạt động ở ngay trong thành phố Hà Nội thời kỳ thống trị kép của Pháp và Nhật. Mang án tử hình vắng mặt, ảnh của ông chúng treo khắp các nơi ở Hà Nội, thế mà ông cứ len lỏi trên đất Hà Nội... Song, ông thản nhiên trước sóng to gió lớn, tình người cao cả, thảnh thơi chăm lo công việc cách mạng. Ông đúng là một nhân cách lớn...” (trích “Trường Chinh, lòng người là thành trì vững chắc” trong cuốn “Đồng chí Trường Chinh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam” - NXB Lý luận Chính trị năm 2007).

Trung ương Đảng cử đồng chí Trường Chinh làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940, rồi quyền Tổng Bí thư khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị bắt. Ban Thường vụ Trung ương Đảng khi ấy còn có 4 người là Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ và Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt). Đến năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ lại bị bắt. Tình hình cách mạng thật nguy nan khi người đứng đầu trong Đảng bị bắt hoặc bị thủ tiêu quá nhiều. Từ năm 1930 đến năm 1942, chỉ có hơn chục năm mà cả 4 vị Tổng Bí thư đều bị địch bắt và hy sinh (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Cừ), không kể Tổng Bí thư Trường Chinh bị tuyên bố tử hình vắng mặt. Nhiều cán bộ cấp Thường vụ Trung ương, Trung ủy và Xứ ủy khác cũng hy sinh. Nhưng Trường Chinh vẫn tự tin bước vào "hang cọp" bởi đồng chí vững tin vào NHÂN DÂN.

Tổng Bí thư Trường Chinh nghĩ đến việc xây dựng khu căn cứ địa Trung ương ngay ở vùng ven Hà Nội nếu Đảng không muốn bị tổn thất nặng nề thêm nữa. Khi đó, có ý kiến cho rằng chúng ta nên đặt An toàn khu (ATK) ở những nơi hiểm trở. Nhưng đồng chí Trường Chinh nói: “Lòng người là cơ bản, ATK phải ở ngay Hà Nội và gần đó, vì chỉ khi tiện đường đi lại thì chúng ta mới gần dân và chỉ đạo được”. Vậy là, ở dọc hai bên bờ sông Hồng ngoại ô Hà Nội và ngôi làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông (cũ), chúng ta đã gây dựng những cơ sở cách mạng có độ tin tưởng đặc biệt. "Và rõ ràng, nhiều khi ở chính nơi tưởng là nguy hiểm nhất với người đang hoạt động bí mật lại là nơi an toàn nhất" - đồng chí Hoàng Tùng hồi tưởng.

Phải chăng, nhờ lòng tin tuyệt đối vào dân mà Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí của mình đã an toàn hơn trong hoạt động bí mật giữa lòng Hà Nội? Đó là điều quá rõ ràng.

Dấu ấn về tư tưởng Đổi mới

Tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư Trường Chinh, đặc biệt là đổi mới về tư duy kinh tế, đã góp phần vực dậy đất nước trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tưởng chừng sẽ dẫn tới đổ vỡ (1986).

Với tư tưởng "phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo Đảng bộ Hà Nội và góp phần xây dựng đường lối Đổi mới trong toàn Đảng.

Có một câu chuyện rất cảm động mà ít ai biết. Qua đó ta có thể hiểu rằng, thời kỳ trước Đổi mới, kinh tế nước nhà cực kỳ khó khăn. Ngay cả một Chủ tịch Quốc hội cũng phải tằn tiện. Đại tá Phạm Quy, nguyên Trưởng phòng Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, từng là bảo vệ gần gũi của Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh. Ông Phạm Quy kể rằng, một buổi sáng chủ nhật, đồng chí Trường Chinh gọi ông cùng lên xe ra cửa hàng quốc tế tại phố Lê Thái Tổ, Hà Nội. Đây là cửa hàng mua bán bằng tem phiếu chuyên dành cho cán bộ cao cấp của Nhà nước ta và các cơ quan ngoại giao đoàn, chuyên gia quốc tế. Đồng chí dừng lại ở quầy bán vải. Ngần ngừ giây lát, đồng chí hỏi người bảo vệ, rằng miếng vải xanh Sĩ Lâm này dùng để may đại cán có hợp không? Khi được ông Phạm Quy khen là hợp, vị thủ trưởng ngẫm ngợi rồi bảo, "thôi biết vậy, để kỳ tới được nhận lương thì cậu đưa tôi quay lại may đo".

Lúc đó, ông Phạm Quy rơm rớm nước mắt. Không lẽ là một nguyên thủ quốc gia, có mỗi việc may bộ quần áo mà cũng phải chờ đến lúc nhận lương hay sao? Ông Phạm Quy bèn "mật báo" cho bên Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Trung ương Đảng về chuyện này. Không ngờ chuyện đến tai đồng chí Trường Chinh, kết quả là ông Phạm Quy bị "xạc" cho một trận nhớ đời. Đồng chí Trường Chinh phê bình rằng may mặc là việc cá nhân, mình phải tự lo, sao lại đi nói với tổ chức? "Nó không liên quan gì đến cơ quan. Lần sau, cậu không được nói với ai những chuyện tương tự” - ông Phạm Quy kể.

Theo tôi biết, nhiều bộ quần áo mà đồng chí Trường Chinh mặc, thậm chí cả bộ đại cán nếu như gấu tay áo đã sờn, đồng chí vẫn cho người mang ra phố thuê vắt xổ. Áo len có sợi bị đứt hoặc có nốt "gián nhấm" nhưng vẫn được đồng chí mặc tiếp cả chục năm...

Phải chăng, nhờ sống đời sống gần với mọi người dân trên đất nước cũng như với người Hà Nội, nhất là trong chế độ tem phiếu, quan liêu bao cấp, các lãnh đạo cấp cao như đồng chí Trường Chinh đều cảm nhận rõ sự thiếu thốn, vất vả mà ai ai cũng phải chịu đựng; sớm nhận ra sự thúc bách phải sớm đổi mới...

Theo Giáo sư Trần Nhâm, thư ký riêng và cũng là thành viên Tổ tư vấn của Tổng Bí thư Trường Chinh thời kỳ đó, thì ngay tại Đại hội lần thứ X Đảng bộ Hà Nội hồi tháng 10-1986, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có một câu nói điển hình cho tư tưởng rất nhất quán như sau: “... đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đáp ứng những nhu cầu chính đáng và ngày càng cao của nhân dân. Với nước ta, đổi mới càng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nền kinh tế nước ta, vừa phù hợp với xu thế đổi mới của thời đại...”.

Đánh giá công tâm về vai trò đổi mới của đồng chí Trường Chinh đối với đất nước, chúng ta luôn ghi nhớ ba bài học lớn mà đồng chí đã tổng kết. Thứ nhất, sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là nhân dân. Thứ hai, Đảng cần phải nắm vững và phải tôn trọng quy luật khách quan, phải vận dụng nó một cách đúng đắn vào thực tế cách mạng nước ta. Thứ ba, nhất thiết phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng...

Tổng Bí thư Trường Chinh đã thể hiện nổi bật phẩm chất chính trị kiên định, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Luôn tận tuỵ, trung thành tuyệt đối với Đảng và nhân dân, đồng chí xứng đáng được coi là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc chúng ta.