Thế giới

Phòng thí nghiệm bay lớn nhất thế giới tới châu Á hỗ trợ ứng phó ô nhiễm không khí

Hoàng Linh 09/02/2024 - 16:32

Ngày 9-2, hãng tin CNA (Singapore) cho biết, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã khởi động loạt chuyến bay đường dài, đưa phòng thí nghiệm trên trời lớn nhất thế giới tới châu Á.

nasa_09_02.jpg
Phòng thí nghiệm bay lớn nhất thế giới của NASA được đặt trên một chiếc máy bay DC-08.

Dự án, được đặt tên là ASIA-AQ, là kết quả hợp tác giữa NASA và các chính phủ trong một khu vực có tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất trên thế giới.

Đây cũng là sứ mệnh đầy tham vọng của NASA nhằm cải thiện các mô hình giúp dự báo và chống ô nhiễm không khí tại châu Á.

Theo CNA, trong bối cảnh hàng triệu ca tử vong mỗi năm được xác định có liên quan đến ô nhiễm không khí, việc cải thiện khả năng xác định nguồn gốc và hành vi ô nhiễm có thể hỗ trợ cảnh báo người dân hiệu quả và chính xác hơn.

Theo lịch trình công bố, chiếc máy bay DC-8 của NASA sẽ cất cánh từ Philippines. Mỗi chuyến bay có thể lên tới 8 giờ, đôi khi chỉ cách mặt đất 15m, sẽ thu thập các vi hạt trong không khí phục vụ nghiên cứu.

NASA cũng vận hành một máy bay phản lực cỡ nhỏ hơn, lắp đặt thiết bị rà quét để tạo ra bản đồ ba chiều về các chất ô nhiễm trong không khí.

"Chúng tôi có thể cung cấp các phép đo trực tiếp về mức độ ô nhiễm đến từ các nguồn khác nhau. Và đó là một trong những dữ liệu đầu vào chính cho các mô hình dự báo chất lượng không khí", chuyên gia Barry Lefer của NASA phát biểu tại sân bay quốc tế Clark, cách Thủ đô Manila của Philippines khoảng 80km về phía Bắc.

nasa_09.jpg
Dữ liệu thu thập từ "phòng thí nghiệm bay" của NASA giúp các nhà khoa học xác định cách các chất ô nhiễm lây lan trong không khí.

Trước đây, công tác dự báo chất lượng không khí chủ yếu dựa vào dữ liệu thu thập từ các trạm trên mặt đất cũng như vệ tinh, nhưng cả hai phương pháp này đều bị hạn chế về khả năng đánh giá các chất ô nhiễm lây lan trong không khí.

Vì thế, dữ liệu từ máy bay có thể giúp lấp đầy khoảng trống, cải thiện đáng kể dữ liệu mặt đất và vệ tinh, tạo ra các mô hình dự báo chính xác hơn.

Trong những tuần tới, NASA cũng sẽ tiến hành các chuyến bay nghiên cứu trên bầu trời Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan. Kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ rộng rãi sau một năm.