Phòng tránh thương tích cho học sinh dịp Tết
Nhận diện nguy cơ và hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích trong kỳ nghỉ Tết là nội dung được các trường học đặc biệt lưu tâm.
Học sinh mầm non, phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn kéo dài 8 ngày. Trước kỳ nghỉ lễ, các nhà trường đều ưu tiên dành thời gian giáo dục kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích trong dịp Tết.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh, trong đó nhiều học sinh là con em các gia đình ở tỉnh ngoài Hà Nội, vì thế, xác định dịp nghỉ Tết là thời gian học sinh di chuyển nhiều, nội dung được các nhà trường tập trung phổ biến, hướng dẫn là thực hiện Luật An toàn giao thông đường bộ.
Em Trần Quỳnh Chi, học sinh Trường Trung học cơ sở Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, năm nào cũng được tham gia các chuyên đề về phòng tránh tai nạn thương tích.
“Lớp em có nhiều bạn ở quê xa nên trước kỳ nghỉ Tết, chúng em được cô giáo nhắc lại quy định về an toàn giao thông với những lưu ý cụ thể như: Đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy; không thò đầu ra khỏi cửa sổ trời ô tô... ”, em Trần Quỳnh Chi chia sẻ.
Dịp nghỉ Tết cũng là khoảng thời gian học sinh có nhiều thời gian đi du xuân, tham gia các hoạt động, trò chơi dân gian tại cộng đồng. Cùng với giáo dục kỹ năng ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng, các nhà trường cũng chủ động hướng dẫn các em cách nhận diện những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho bản thân. Với học sinh nữ, các em được dạy cách giữ khoảng cách với người khác giới; có lời nói, hành vi phù hợp với người mới quen và đặc biệt là không đi theo người lạ, không dễ dàng làm theo những mong muốn của người mới quen...
Với học sinh nam, các em được nhắc nhở, khuyến cáo để tránh bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào những trò chơi mang tính cờ bạc hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép. Để tránh vi phạm quy định của pháp luật cũng như bảo đảm an toàn cho bản thân trong những ngày nghỉ Tết, các nhà trường tập trung nhắc lại những quy định như không được đốt pháo nổ; chấp hành quy định về an toàn giao thông khi tự di chuyển bằng xe đạp, xe máy điện.
Xác định thời gian nghỉ Tết là lúc các em có thể được bố mẹ cho xả hơi bằng điện thoại, máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã chủ động thông báo tới phụ huynh học sinh về thời gian nghỉ cụ thể để gia đình quản lý con; đồng thời, lưu ý phụ huynh chú ý quản lý việc sử dụng thiết bị điện tử tại gia đình, tránh việc các em có thể bị lôi kéo, lừa đảo vào các tệ nạn như buôn bán người. Việc giúp học sinh nhận diện, ứng phó với các tình huống có thể xảy ra khi ở nhà một mình như chập điện, cháy nổ, có người lạ xâm nhập... cũng được các nhà trường lưu tâm.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự hỗ trợ của Công an quận, đơn vị đã hoàn thành việc biên soạn và đưa vào giảng dạy nội dung về phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại tất cả các nhà trường trên địa bàn quận.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), mỗi năm có gần 1.150.000 người bị thương do tai nạn thương tích, trong đó, khoảng 300.000 trường hợp là trẻ em và vị thành niên từ 0 đến dưới 18 tuổi. Việc hướng dẫn học sinh, hỗ trợ trẻ em nhận diện, có kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích đòi hỏi cần sự chung sức nhiều hơn nữa của cả gia đình, nhà trường và các lực lượng khác để giảm thiểu số ca tai nạn thương tích ở độ tuổi này.