Giải trí

Như bầu trời đêm đầy sao

Yên Nga 08/02/2024 - 07:49

Giữa một thế giới giải trí hiện đại, hào nhoáng đang có những đốm sáng sân khấu thắp dần mỗi đêm dành cho lứa khán giả mới. Những đốm sáng ấy đang nhen lên những ước mơ và hy vọng về một tương lai: Sân khấu Hà Nội sẽ như bầu trời đêm đầy sao.

san-khau-2.jpg
Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” của Nhà hát Chèo Hà Nội phục dựng với lớp diễn viên trẻ khá thành công.

Khát khao phục hưng sân khấu

Đã hàng chục năm ở vai trò quản lý, công tác hội nghề nghiệp, nhưng khi nói về chèo, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm - “hoàng tử Pơ Liêm” nổi danh một thời vẫn say sưa, mê đắm... Ông kể, những năm 1980 - 1990, sân khấu Hà Nội tưng bừng lắm. Rạp Đại Nam của Nhà hát Chèo Hà Nội ngày ấy luôn chật kín khán giả, hết xem “Nàng Sita” rồi đến “Mối tình Đuông - Nali”, “Tấm Cám”... Cứ tan tầm là khán giả đến xếp hàng mua vé vào rạp. Có thời gian nghệ sĩ diễn ngày 3 suất, chỉ kịp tẩy trang ăn lót dạ rồi lại trang điểm và diễn. Xong buổi diễn, khán giả không về ngay mà còn nán lại để chiêm ngưỡng hoặc chạm vào diễn viên.

Hồi ấy, người ta không gọi diễn viên bằng tên thật mà gọi tên nhân vật, như hoàng tử Pơ Liêm, hoàng tử Pônu-vông... “Tôi đã thấy lại không khí những năm tháng ấy khi tham gia dàn dựng và biểu diễn hai vở “Quan Âm Thị Kính” và “Trương Viên” của Nhà hát Chèo Hà Nội vừa qua” - “hoàng tử Pơ Liêm” của làng chèo bồi hồi cho biết.

Thực hiện chủ trương của Thành phố về việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, Nhà hát Chèo Hà Nội đã triển khai đề án phục dựng các vở chèo cổ, trao truyền cho thế hệ trẻ. Hai vở “Quan Âm Thị Kính” và “Trương Viên” được chọn phục dựng trước và đã tạo được dấu ấn. Chính các nghệ sĩ thành danh như Nghệ sĩ Ưu tú Thu Huyền, Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Nhan, nghệ sĩ Thanh Tâm... truyền vai mẫu cho thế hệ trẻ. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm trực tiếp phục dựng và nâng cao, trau chuốt từng câu hát, lời thoại, động tác chuẩn mực của nghệ thuật chèo cho các diễn viên...

Nghệ sĩ Ưu tú Thu Huyền, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ, trước mỗi buổi diễn, điện thoại của nhà hát và của cá nhân chị reo liên tục do khán giả gọi đến đặt vé, không ít người phải đợi đến buổi diễn sau vì hết vé. Sau mỗi buổi diễn, trên fanpage của Nhà hát Chèo Hà Nội lại tràn ngập những câu hỏi bao giờ diễn lại...

“Nhiều khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ nán lại rất lâu khi vở diễn kết thúc để hỏi diễn viên, đạo diễn về một số chi tiết. Các bạn trẻ bây giờ không xem nghệ thuật thụ động mà họ có nhu cầu tìm hiểu ngọn ngành và khi đã hiểu được thì họ rất yêu mến, tiếp tục đến với sân khấu” - Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm nói thêm.

san-khau-1.jpg
Chương trình “Chuyện phố thời bao cấp” đưa khán giả sống lại với những câu chuyện Hà Nội những năm 1980.

Vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Hưng và chị Trần Thu Lan (quận Nam Từ Liêm) háo hức đến Nhà hát Tuổi trẻ vào ngày đầu tháng 11-2023 để xem “Chuyện phố thời bao cấp” - show diễn kể chuyện Hà Nội những năm 1980 bằng âm nhạc. Họ nói rằng đã lỡ mất buổi ra mắt và phải “săn” mãi mới có cặp vé lần này. Khán giả đến với show diễn không ai bảo ai đều “diện” trang phục “mô đen” một thời, hòa mình vào những gian hàng mậu dịch bán đủ các mặt hàng bằng tem phiếu, trước khi bước vào không gian sân khấu để thưởng thức chương trình âm nhạc.

Vở diễn “Quan thanh tra” của Nhà hát Kịch Việt Nam với sự góp mặt của "dàn sao" gồm nghệ sĩ Xuân Bắc, Minh Hiếu, Mai Nguyên, Lâm Tùng, Quỳnh Hoa, Khánh Linh, Hoàng Nhật, Hồng Phúc... ra mắt hồi tháng 10-2023 cũng trở thành “bom tấn” với gần chục buổi diễn liên tục “cháy vé”. Khán giả ngóng chờ những suất diễn tiếp theo để mua vé cho bạn bè, người thân thưởng thức...

san-khau-3.jpg
Vở “Quan thanh tra” của Nhà hát Kịch Việt Nam quy tụ những diễn viên được yêu thích hàng đầu làng kịch phía Bắc, nên liên tục cháy vé.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, sự đối diện, tương tác trực tiếp giữa diễn viên và khán giả là ưu thế của sân khấu mà không loại hình nghệ thuật nào thay thế được. “Đừng nghĩ vở diễn cũ hay nội dung quen thuộc mà sân khấu không hấp dẫn. Nghệ sĩ mỗi lần lên sân khấu là một lần sáng tạo, một lần tạo nên bản diễn mới và khán giả thưởng thức cũng nhận được cảm xúc mới, bài học mới. Thế nên, khi sân khấu có những “ngôi sao”, có vở diễn hay, thể hiện được hết tinh túy của từng loại hình nghệ thuật, thì luôn cuốn hút” - nghệ sĩ Quốc Chiêm khẳng định.

Rực sáng muôn màu sắc

“Nếu chỉ có một vài vở diễn thì nổi bật đến đâu sân khấu cũng khó duy trì được sức “nóng”. Phải liên tục thay đổi, mang đến những vở diễn mới, đa dạng loại hình để khán giả có thói quen đến với sân khấu” - Nghệ sĩ Ưu tú Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ. Vì thế, cùng với chương trình “Chuyện phố thời bao cấp”, Nhà hát Tuổi trẻ còn có kịch mục đa dạng như “Bến nước thời gian”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, “Đời cười”, “Viên đá ngũ sắc”, “Đứa con của yêu tinh”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Giấc mơ của Bờm”, “Sống mãi tuổi 17”, “Ông không phải là bố tôi”... diễn thay đổi liên tục các ngày trong tuần, với nhiều khung giờ khác nhau.

Nhà hát Chèo Hà Nội liên tục dàn dựng vở mới và có một kịch mục dày dặn thường xuyên thay đổi đón khán giả. Bên cạnh “Quan Âm Thị Kính”, “Trương Viên”, sân khấu chèo Thủ đô còn hấp dẫn với “Cung thương một khúc”, “Nắm xôi kỳ diệu”, “Cánh diều làng Vũ Đại”, “Tình mẹ”... và mới nhất là “Vòng đời duyên nợ” tận dụng ngay các kép trẻ nổi bật từ vở “Quan Âm Thị Kính” vào vai chính.

Cùng với “Quan thanh tra”, Nhà hát Kịch Việt Nam có các vở “Bóng rối”, “Bệnh sĩ”, “Nguồn sáng trong đời”, “Người trong cõi nhớ”, “Người tốt nhà số 5”, “Nhân thế”, “Người yêu hoa hậu”... đều đặn diễn thay đổi và bán vé tốt. “Chúng tôi hướng đến mục tiêu đêm nào Nhà hát Kịch Việt Nam cũng sáng đèn” - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam quyết tâm.

Sau một thời gian đầu tư, nâng cấp sân khấu để hiện đại hơn, âm thanh, ánh sáng sống động hơn, Nhà hát Kịch Hà Nội đã sẵn sàng một kịch mục mới phục vụ khán giả từ năm 2024, với các vở “Tướng quân Lê Hoàn”, “Vòng tròn bội bạc”, “Lời ru của bà”, “Tinh thần thể dục”, “Khoảng trống”, “Thúy Kiều một kiếp đoạn trường”, “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Trái tim người Hà Nội”...

Còn “điểm sáng” sân khấu xã hội hóa của Thủ đô là Sân khấu Lệ Ngọc thường xuyên phục vụ những vở diễn được yêu thích thời gian qua như “Thị Nở - Chí Phèo”, “Dế Mèn”, “Đám cưới con gái chuột”, “Tấm Cám”... và vẫn đầu tư dàn dựng công phu các vở mới như “Vua Lear”, “Lôi vũ”...

Có thể thấy, sân khấu Hà Nội thời điểm này vô cùng phong phú, muôn sắc màu. Có kịch nói, kịch hát truyền thống hay những hình thức hiện đại như nhạc kịch, musical show (show âm nhạc); có vở đề tài lịch sử, dân gian hay kinh điển thế giới, cũng có những vở về chiến tranh cách mạng hay hiện đại; có bi kịch, hài kịch và cả kịch tương tác... Sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội được khán giả mến mộ nhiều năm trời và cả những “ngôi sao” mới xuất hiện đầy tâm huyết, cùng sự quay trở lại dần của khán giả đang đem đến kỳ vọng một thời kỳ hoàng kim mới cho sân khấu Hà Nội...