"Hồi sinh" di sản bằng công nghệ số
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smartphone), sử dụng thao tác quét mã QR đơn giản, du khách đã có một trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các di sản, di tích ở Hà Nội.
Công cuộc số hóa di sản tại Hà Nội được thực hiện mạnh mẽ tại các điểm di tích, bảo tàng... đang mang đến một luồng gió mới cho hoạt động trải nghiệm, giúp di sản hồi sinh với sức sống mới.
“Khoác áo số” cho di sản
Vợ chồng du khách người Hà Lan Jansen Van Denberg rất thích thú khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà không cần đến sự trợ giúp của hướng dẫn viên bản địa. “Việc quét mã QR rất thuận tiện, mọi thông tin về Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được số hóa, giới thiệu sinh động. Chúng tôi dễ dàng tìm hiểu thông tin mình cần” - bà Van Denberg chia sẻ.
Là một trong những điểm di tích đầu tiên của Hà Nội thực hiện số hóa, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực hiện số hóa 40 hạng mục, mã hóa thông tin thành các QR code. Ngoài ra, điểm di tích này đã triển khai thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) bằng 12 ngôn ngữ. Nhớ lại ngày đầu thực hiện chuyển đổi số, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, đơn vị mất nhiều thời gian để học hỏi, tìm kiếm đối tác về công nghệ. Nhiều ứng dụng đã được đưa vào thử nghiệm, từng bước điều chỉnh sau các góp ý, phản hồi của du khách. Gần đây nhất, đơn vị cho ra mắt thành công sản phẩm tour đêm “Tinh hoa đạo học” vào cuối tháng 10 vừa qua. Nhiều sản phẩm công nghệ mang tính trình chiếu, đồ họa, không gian 3 chiều thực tế ảo kết hợp kỹ thuật chiếu ánh sáng 3D mapping đã mang đến sự ngỡ ngàng cho cả giới khoa học và du khách. Lượt du khách tăng cao, đơn vị phải tăng thành 5 buổi diễn/tối.
Dịch Covid-19 với nhiều đợt giãn cách xã hội đã tạo ra sự xoay chuyển mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, quảng bá, trải nghiệm tại các điểm di tích trên địa bàn Hà Nội. Sau dịch, việc số hóa trở thành “cú hích” để các điểm đến thu hút du khách. Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist thực hiện quảng bá sản phẩm tour đêm trên website, mạng xã hội, đồng thời triển khai đồng bộ số hóa thông tin các hình ảnh của di tích, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm, tìm hiểu các câu chuyện lịch sử tại đây. Trong khi đó, Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cũng đã thực hiện chuyển đổi số từ nhiều năm nay với việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động, mã QR. Trưởng phòng phụ trách Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Minh Thu cho biết, đơn vị đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm trải nghiệm có sử dụng công nghệ như phim chiếu 3D tại khu hầm T1; phim 3D về lễ thiết triều, dự kiến ra mắt vào năm 2024...
Góp sức trong hoạt động số hóa di sản, di tích trên địa bàn Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội và các cơ sở Đoàn Thanh niên đã đẩy mạnh triển khai số hóa các di tích lịch sử, trong đó có sử dụng công nghệ hình ảnh 360° kết hợp video clip, âm thanh. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, Đoàn Thanh niên thành phố đã triển khai số hóa 322 địa chỉ đỏ và số hóa các di tích, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất thông tin, góp phần thuận lợi hơn trong việc lưu giữ cũng như quảng bá các giá trị văn hóa của Thủ đô.
Không chỉ có các di tích, nhiều bảo tàng trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện số hóa hoạt động trưng bày những bảo vật, hiện vật quý. Điển hình như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu nhiều chuyên đề trưng bày; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đưa ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA với 9 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Italia và Đức.
Hướng tới chuyên nghiệp và đồng bộ
Tháng 12-2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Quyết định đề ra mục tiêu: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; các di tích quốc gia đặc biệt; các bảo vật quốc gia... phải được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Ngoài ra, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành Di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.
Hành trình số hóa di tích, di sản đang được thực hiện trên toàn quốc với sự khẩn trương và quyết liệt, trong đó Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về công tác này. Là người tư vấn và phối hợp với nhiều di tích của Hà Nội xây dựng chương trình tour mới kết hợp công nghệ, Phó Chủ tịch Hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, số hóa di sản là xu hướng tất yếu để bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản trong đời sống đương đại. Việc này còn giúp đơn vị quản lý điểm đến xây dựng những sản phẩm du lịch kết hợp công nghệ, tăng tương tác giữa công chúng với di sản.
Dù vậy, hoạt động số hóa di sản tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn gặp không ít thách thức. Để việc số hóa thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương, đơn vị phải có sự kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội.
Ông Nguyễn Quyết Tâm, thành viên Ủy ban Chính phủ số của Hiệp hội Phần mềm Vinasa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Aizo cho rằng, khó khăn đôi khi không nằm ở công tác chuyên môn mà từ kinh phí và con người. Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) góp ý, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, bổ sung nghiệp vụ thì các địa phương, đơn vị cần có chiến lược đào tạo nhân sự.
Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện số hóa di sản tại các di tích, điểm du lịch. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, đơn vị đang hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương hoàn thiện tổ chức thông tin, hình ảnh, dữ liệu để nhanh chóng số hóa một cách hệ thống, bài bản.
“Với hơn 5.900 di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội có tài nguyên di sản giàu có, đa dạng để phát triển công nghiệp văn hóa, thu hút du khách. Việc đẩy mạnh số hóa các di tích lịch sử không những góp phần lưu trữ tư liệu, bảo tồn di sản mà còn giúp người dân và du khách hiểu thêm về Thủ đô ngàn năm văn hiến và truyền thống của Việt Nam” - ông Trần Trung Hiếu bày tỏ.