Y tế

Không để người bệnh phải chờ máu

Thu Trang 07/02/2024 - 09:47

Ngay từ cuối tháng 1-2024, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã phát đi thông tin về tình trạng thiếu máu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đến nay, sau gần một tuần kêu gọi người dân tham gia hiến máu, lượng máu trong kho dự trữ quốc gia vẫn thiếu. Để người bệnh không phải chờ máu, mỗi người dân hãy tiếp tục tham gia hiến máu, tiếp sức cho kho máu thêm đủ đầy.

nguoi-dan-hien-mau-tai-vien.jpg
Người dân hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhu cầu máu tăng cao

Bị bệnh tan máu bẩm sinh, từ khi 7 tháng tuổi đến nay, đều đặn mỗi tháng, bé Đặng Thị Xuyên (ở Tuyên Quang) phải đến truyền máu tại bệnh viện tỉnh. Sát Tết Nguyên đán, vì không thể chờ máu ở địa phương nên hai bố con bé Xuyên lặn lội bắt xe từ Tuyên Quang lên Hà Nội. Ngày đầu đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, bé Xuyên được truyền ngay 2 đơn vị máu.

Cũng là một người bệnh tan máu bẩm sinh, anh Dương Văn Vinh (ở Nam Định) chia sẻ: “Tết có thể thiếu nhiều thứ, nhưng người bệnh thiếu máu thì không những không có Tết mà còn nguy hiểm đến tính mạng…”.

Càng đến gần Tết, nhu cầu sử dụng máu luôn cao hơn. Nguyên nhân là do nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính mong muốn điều trị ổn định để được ra viện về đón Tết cùng gia đình. Trong khi đó, đây cũng là thời điểm số ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt... gia tăng. Mỗi dịp Tết hằng năm, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đều lên kế hoạch cụ thể, tổ chức các buổi hiến máu, làm sao để điều tiết đủ số lượng máu.

Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) Trần Ngọc Quế cho biết, toàn quốc có 5 trung tâm lớn bảo đảm vấn đề cung cấp máu; trong đó, Trung tâm Máu quốc gia phụ trách khu vực phía Bắc. Trung bình mỗi tháng, trung tâm cần từ 40.000 đến 42.000 đơn vị máu toàn phần và 5.000 đơn vị tiểu cầu máy dự trữ. Như vậy, tối thiểu trong 3 tháng đầu năm 2024 cần khoảng 120.000 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 180 cơ sở y tế tại 31 tỉnh, thành phố.

“Nhu cầu máu vẫn vậy, nhưng năm nay do khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại xảy ra thời gian qua khiến nhiều điểm hiến máu không đạt kết quả như dự kiến. Trong khi đó, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương vẫn đang phải tiếp tục “chi viện” 1.000 đơn vị máu mỗi tuần cho Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, một số khu vực khác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, cũng không đạt kết quả tiếp nhận máu theo kế hoạch và xin hỗ trợ từ Trung tâm Máu quốc gia. Do đó, nhu cầu máu dịp này tăng cao hơn các năm trước”, ông Trần Ngọc Quế thông tin.

Được biết, từ tháng 6-2023 đến nay, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ - đầu mối cung cấp máu cho 74 bệnh viện tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn trong công tác mua sắm vật tư, túi máu, sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc máu. Dù thời gian gần đây, bệnh viện này đã mua sắm trở lại nhưng chưa đấu thầu được suất ăn, quà tặng cho người hiến máu nên vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu.

Mở cửa xuyên Tết đón người hiến máu

Theo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, đến thời điểm này, Trung tâm Máu quốc gia đã chuyển 57 chuyến với gần 50.000 đơn vị máu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ để cung cấp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, việc “chi viện” này sẽ kéo dài đến tháng 3-2024 với gần 30.000 đơn vị máu. Do đó, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đang tìm đủ mọi cách để tiếp nhận được lượng máu nhiều nhất, đáp ứng đủ nhu cầu.

Sau gần một tuần kêu gọi (từ ngày 2 đến 6-2), đã có thêm gần 3.000 người dân Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và các điểm hiến máu cố định tham gia hiến máu. Nhiều cơ quan, đơn vị, bệnh viện cũng đã phát động cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia hiến máu. Tuy nhiên, lượng máu trong kho dự trữ quốc gia vẫn thiếu.

Trước thực tế này, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia Trần Ngọc Quế cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện kế hoạch từ trước, bổ sung thêm lịch hiến máu, còn phải đẩy mạnh việc tổ chức tiếp nhận máu ở các tỉnh, thành phố như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Cần Thơ… và kêu gọi người dân tham gia hiến máu trên các phương tiện thông tin đại chúng… “Chúng tôi sẽ mở cửa xuyên Tết đón người hiến máu”, ông Trần Ngọc Quế nói.

Đối với tình trạng khan hiếm máu xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua, ngoài giải pháp hỗ trợ máu, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị sớm có kế hoạch dự báo tình hình để tiến hành đấu thầu các vật tư liên quan. Các chuyên gia y tế cho rằng, nên tổ chức đấu thầu tập trung để tránh xảy ra tình trạng cùng một cơ chế nhưng nơi đấu thầu được, nơi lại không.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các đơn vị liên quan tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn. Đồng thời, có những nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động truyền máu, người hiến máu để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nếu cần.