Hà Nội kết nối

Những nét độc đáo của Đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết

Nhóm phóng viên 07/02/2024 - 09:12

Từ năm 2004 đến nay, Đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một lễ hội đường phố, nét đặc trưng nổi bật của thành phố Hồ Chí Minh mỗi dịp xuân về.

a281.jpg
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 nhìn từ bến Bạch Đằng.

Tối nay, ngày 7-2, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 sẽ chính thức mở cửa đón người dân và du khách đến du xuân, thưởng ngoạn đến 21h00 ngày 14-2-2024.

Năm nay, đường hoa có chủ đề "Xuân yêu thương, Tết sum vầy", dài hơn 600m. Đây là năm thứ 21, Đường hoa Nguyễn Huệ hình thành và phát triển, trở thành một trong biểu tượng độc đáo về Tết và là nét văn hóa truyền thống đặc sắc tại thành phố Hồ Chí Minh.

a279a.jpg
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 nhìn từ phía trụ sở HĐND, UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Theo họa sĩ Bùi Chí Công, một doanh nhân yêu thích sáng tạo nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2004 đến nay, những Đường hoa Nguyễn Huệ với mỗi năm một chủ đề, nhưng luôn có kịch bản chặt chẽ, tổ chức chu đáo, những ý tưởng sáng tạo đã làm cho dự án nghệ thuật đường phố này có sức sống mạnh mẽ. Đường hoa Nguyễn Huệ đã biến đổi cảnh quan trung tâm thành khu vườn đầy màu sắc và ngập tràn không khí lễ hội.

a282.jpg
Linh vật rồng năm nay tại Đường hoa Nguyễn Huệ tiếp tục là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

“Dự án nghệ thuật công cộng này còn là công cụ quảng bá hữu hiệu một thành phố phát triển, năng động, giàu sức sống, thu hút du khách. Đây là điểm đến không thể thiếu của du khách cũng như người dân thành phố trong những ngày xuân. Mọi người đều trân trọng, giữ gìn lễ hội hoa đặc sắc này, nên những vườn hoa tươi có thể nguyên vẹn tỏa hương sắc suốt một tuần diễn ra mà không lo bị ai ngắt nụ, bẻ cành… Có thể nói đây là dự án nghệ thuật công cộng quy mô và thành công nhất tại Việt Nam”, họa sĩ Bùi Chí Công nhận xét.

Năm nay, hơn 90.000 chậu của 99 chủng loại hoa gắn ba gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng... của muôn vàn loài hoa và nhất là hoa mai luôn là điểm nhấn đặc biệt bởi chúng vừa là biểu tượng của mùa xuân, sự tươi mới, vừa là biểu tượng cho sự thịnh vượng. Những bông hoa đua nhau khoe sắc còn biểu trưng cho sự may mắn, tài lộc, thịnh vượng khi năm mới đến.

a284a.jpg
Đại cảnh Đôi rồng chầu sen tại Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024.

Trừ năm đầu tiên diễn ra (Tết Giáp Thân 2004), những năm còn lại đến nay, biểu tượng linh vật tại lễ hội hoa đường phố này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách bởi những nét đặc sắc.

Tết Giáp Thìn 2024, các linh vật rồng trên Đường hoa Nguyễn Huệ tại đại cảnh cổng chào (giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi) và cổng kết (giao lộ Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng) có chiều dài đến hơn 100m, lập kỷ lục kích thước con giáp từng xuất hiện trên đường hoa, vượt qua cả biểu tượng khỉ Tết Nhâm Thìn 2012 và hổ đắp bằng sỏi Tết Nhâm Dần 2022.

a278a.jpg
Đại cảnh rồng nhìn từ trên cao.

Linh vật rồng trên đường hoa cũng nổi bật về tính thân thiện môi trường khi hơn 90% vật liệu chế tác là thép tạo hình và hệ thống mành quạt nan bao phủ toàn thân giả vẩy (linh vật cổng chào) hoặc hệ thống đèn led khắp thân tạo hiệu ứng (rồng cổng kết).

Năm nay, lần đầu tiên Đường hoa Nguyễn Huệ tăng cường quảng bá nâng cao vai trò Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, trong đại cảnh "Thuyền hoa xuân", có khu vực mô phỏng phòng nghiên cứu của khu, nơi ra đời những sản phẩm nông nghiệp được ươm mầm, nhân giống thông qua các ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới, vốn đã và đang có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp đô thị đặc sắc của thành phố Hồ Chí Minh.